Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

VỀ ĐỒNG QUÊ



" Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học." .

Xin mượn câu văn tuyệt vời này để diễn tả lòng mình khi sáng nay, Chúa nhật 29/9/2013, anh em chúng tôi lên đường về thăm Khánh Thọ, một Giáo xứ vừa được thành lập tách từ Giáo xứ Mẹ Thuận Yên, Hạt Tam Kỳ, Địa phận Đà Nẵng.
Thật ra, anh em chúng tôi đã đi lại rất nhiều nơi trong Nam ngoài Bắc : những danh lam thắng cảnh của đất nước, những vùng quê yên ả đầy cây xanh trái ngọt, những vùng rừng núi xa xôi hẻo lánh nơi có đồng bào của chúng tôi "mùa nắng không đủ ăn, mùa mưa không đủ mặc"...v v... trong những chuyến du ngoạn hay trong những lần " hành hương từ thiện " mỗi năm.
Lần đi này cũng thế. 
Khánh Thọ, một làng quê " bán sơn địa " nằm dưới chân đập Phú Ninh (được xây dựng ít năm sau biến cố 1975 với tên gọi " đại công trình thủy nông Phú Ninh" nổi tiếng mà hàng trăm ngàn người đã tham gia xây dựng cùng với hàng trăm ngàn nỗi khốn khổ trong những ngày ấy) thuộc Thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Cũng những ruộng lúa được chia thành từng ô nhỏ bằng các bờ đê chỉ đủ một người đi; cũng những hàng cây cao đủ loại chen lấn bên những khóm tre mọc xum xuê dọc hai bên con đường nhựa quanh co và dài " thăm thẳm ", cũng những ngôi nhà tường vách mái tôn nằm yên bình trên những mảnh vườn nhiều cỏ cây hoa lá, có mấy chú gà đang bới đất tìm mồi " tục tục " gọi bầy...







Nhưng như Thanh Tịnh đã viết : " Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học." 
Tâm trạng của mỗi chúng tôi cũng thế. Hôm nay chúng tôi đi học : "Học yêu thương, học cho đi và học lãnh nhận". Đây là lần đầu tiên chúng tôi đến thăm Giáo xứ Khánh Thọ, nơi có Cha Đaminh Phan Châu Bảo làm Quản xứ. Cha Đaminh là một trong 22 người con của Thanh Đức được ơn Chúa gọi làm Linh mục cho Người.



Giáo xứ Khánh Thọ hiện nay gồm chừng 900 giáo dân thuộc 4 Giáo họ. Ba Giáo họ sống gần nhau trong cùng một xã với hơn 500 nhân khẩu, nơi có nhà xứ và Nhà thờ chính. Giáo họ còn lại ở xã Tam Lãnh, cách nhà xứ Khánh Thọ trên 25 km đường đèo dốc quanh co, nằm tận trên các đỉnh núi bao bọc lấy hồ Phú ninh rộng lớn, được tráng nhựa nhưng rất nguy hiểm khi tham gia giao thông. Hơn 400 anh chị em Công giáo Tam Lãnh sống chan hòa với đồng bào của mình.  Một mai kia, khi Tam Lãnh trở thành Giáo xứ, căn nhà xứ đang xây dở chắc chắn không thể "chứa đựng" nổi những chương trình sinh hoạt của bà con tín hữu rất mộ Đạo và nhiệt thành với Nhà Chúa nơi đây.



Theo các vị cao niên cho chúng tôi biết, người dân Khánh Thọ nhận ơn Đức tin cách nay đã gần 100 năm, do một số giáo dân xuôi về Thuận Yên làm ăn sinh sống và đã theo Đạo, chịu phép Rửa, về sau trở lại Khánh Thọ, quyết tâm gìn giữ Đức tin đã lãnh nhận được rồi truyền lại cho con cháu...
Năm 1933, Cha Simon Dương Văn Vận, Linh mục Quản xứ tiên khởi Tam Kỳ, đã về đây cất lên ngôi nhà thờ rất đơn sơ bằng tre nứa, đất nung, mái lợp bằng rơm và tranh. Mãi tới năm 1960, ông Nguyễn Phán, Xã Trưởng Khánh Thọ, là một tín hữu, đã vận động bà con xây dựng lại Nhà thờ bằng gạch đá, lợp mái bằng tôn, khá khang trang vào thời ấy. Đến năm 1973, ngôi Thánh đường nhỏ bé này đã bị bom đạn chiến tranh phá hủy gần như toàn bộ. Ngôi Nhà thờ hiện nay do Cha Bênêdictô Nguyên Tấn Khóa, Quản xứ kiêm Hạt Trưởng Tam Kỳ, cho xây dựng cách nay đã trên 10 năm (2000), lúc ấy Khánh Thọ còn là một Giáo họ thuộc Giáo xứ Mẹ Thuận Yên.
Khi về nhận trách nhiệm Cha Sở Tiên khởi của Giáo xứ Khánh Thọ, Cha Đaminh Phan Châu Bảo lập đài Đức Mẹ, nơi dùng để cử hành các Thánh lễ trọng ngoài nhà thờ, và đại tu toàn bộ nhà xứ dùng vào việc dạy Giáo lý, tập hát và sinh hoạt của các Đoàn thể.






Chúng tôi đến Khánh Thọ lần đầu tiên này chủ yếu để thăm Cha Đaminh ví đã lâu không gặp được ngài. Hồi trẻ, khi còn ở Thanh Đức, Cha đã hoạt động rất tích cực trong các Hội đoàn và các phong trào của Giáo xứ. " Chú Bảo "  từng là ca viên Ca đoàn, Huynh Trưởng Thiếu Nhi và là một Giúp lễ của Giởi Trẻ. Để làm quà tặng ("miềng trầu là đầu câu chuyện"), chúng tôi mang theo một số hàng nhu yếu phẩm, quần áo cũ, sách giáo khoa học sinh từ Lớp Một đến Lớp Mười Hai và những tập vở dành cho các cháu nhỏ.
Đón chúng tôi ngay sân Nhà thờ là ông Phó Ban Mục vụ Giáo xứ kiêm Nội vụ. Sự hiếu khách, lòng chân tình, mộc mạc của ông làm chúng tôi quên bao mệt nhọc sau chặng đường dài gần 100 cây số.
Riêng Cha sở, ngài " xin lỗi " ví đang bận cắt tóc nửa chừng cho một giáo dân (tuyệt vời, phải không các bạn ?)







Sau khi chào Cha và các Vị, chúng tôi vào Nhà thờ viếng Thánh Thể. Trong không gian bé nhỏ nhưng ấm áp, chúng tôi dâng lời tán tụng, tạ ơn và  cầu nguyện cho từng  người, từng gia đình, cho Giáo xứ mới Khánh Thọ đang gặp nhiều khó khăn về mọi mặt, nhất là cho Cha Đaminh luôn trung thành trong Ơn Gọi và mãi mãi là Mục tử như lòng Chúa ước mong.





Chúng tôi dùng cơm trưa cùng Cha sở và các vị Ban Mục vụ Giáo xứ với đủ hương vị đặc sản " gà đi bộ Tam Kỳ ". Quả là "lời đồn chẳng sai" ! Gà ngon bún ngọt cộng với tình người, sao nghe mát lòng ấm bụng đến vậy !
Bất ngờ thú vị nhất là khi ông Khoa, Phó Ban Mục vụ kiêm Đối ngoại, chân tình mời chúng tôi tháp tùng Cha sở lên Giáo họ Tam Lãnh, nơi gia đình ông đang sinh sống. Theo lịch đã sắp xếp, Cha sở sẽ cử hành Thánh lễ Chúa nhật vào chiều nay và sáng sớm ngày mai tại Tam Lãnh. Dù không có trong chương trình, hơn nữa theo tin báo từ gia đình, chúng tôi biết được cơn bão số 10 đang gây gió mạnh và mưa lớn tại Đà Nẵng chiều nay, nhưng chúng tôi cũng không thể nào từ chối lời mời hết sức chân thành của ông.







Viếng Nhà thờ Giáo họ Tam Lãnh xong, chúng tôi ghé thăm và vui chơi tại nhà ông Phó ban mục vụ Khoa. Đập vào mắt chúng tôi là một khu vườn rộng lớn với cả một rứng quế xanh tốt chừng hơn một mẫu đất, cây ăn quả, rau thơm các loại mọc xum xuê quanh vườn, một ao cá trê với cả hàng trăm con, một đàn "gà đồi đi bộ" không thua gì ở vùng Cao Bằng Lạng Sơn mà chúng tôi đã có dịp ghé đến...








Cây nhà lá vườn đủ cho tất cả chúng tôi một bữa lai rai đậm tình quê hương giữa vùng núi bạt ngàn "hương đồng cỏ nội" : Mùi lá chanh thơm phứt ướp cá trê nướng mọi, mùi rau răm trộn với thịt gà cho món xé bóp thơm đến " nôn nao ", mùi rượu gạo nguyên chất ngâm với cả đàn ong vè vẻ uống tê cả đầu lưỡi... 
Hương quế nhè nhẹ theo từng đợt gió thổi qua càng làm đậm đà thêm tình thương giữa chúng tôi, những người vừa mới gặp mà như đã quen nhau từ thuở nào.




Khi hoàng hôn đã về trên những táng cây xanh sẫm, chúng tôi chào tam biệt Tam Lãnh, hẹn tái ngộ những con người đơn sơ, mộc mạc, dễ mến, nhưng đầy chân tình và không thiếu nhiệt thành, khiêm tốn... trong việc phụng sự Thiên Chúa, phục vụ tha nhân.



nguyenhungdung








































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét