Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

VỀ ĐỒNG QUÊ



" Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học." .

Xin mượn câu văn tuyệt vời này để diễn tả lòng mình khi sáng nay, Chúa nhật 29/9/2013, anh em chúng tôi lên đường về thăm Khánh Thọ, một Giáo xứ vừa được thành lập tách từ Giáo xứ Mẹ Thuận Yên, Hạt Tam Kỳ, Địa phận Đà Nẵng.
Thật ra, anh em chúng tôi đã đi lại rất nhiều nơi trong Nam ngoài Bắc : những danh lam thắng cảnh của đất nước, những vùng quê yên ả đầy cây xanh trái ngọt, những vùng rừng núi xa xôi hẻo lánh nơi có đồng bào của chúng tôi "mùa nắng không đủ ăn, mùa mưa không đủ mặc"...v v... trong những chuyến du ngoạn hay trong những lần " hành hương từ thiện " mỗi năm.
Lần đi này cũng thế. 
Khánh Thọ, một làng quê " bán sơn địa " nằm dưới chân đập Phú Ninh (được xây dựng ít năm sau biến cố 1975 với tên gọi " đại công trình thủy nông Phú Ninh" nổi tiếng mà hàng trăm ngàn người đã tham gia xây dựng cùng với hàng trăm ngàn nỗi khốn khổ trong những ngày ấy) thuộc Thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Cũng những ruộng lúa được chia thành từng ô nhỏ bằng các bờ đê chỉ đủ một người đi; cũng những hàng cây cao đủ loại chen lấn bên những khóm tre mọc xum xuê dọc hai bên con đường nhựa quanh co và dài " thăm thẳm ", cũng những ngôi nhà tường vách mái tôn nằm yên bình trên những mảnh vườn nhiều cỏ cây hoa lá, có mấy chú gà đang bới đất tìm mồi " tục tục " gọi bầy...







Nhưng như Thanh Tịnh đã viết : " Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học." 
Tâm trạng của mỗi chúng tôi cũng thế. Hôm nay chúng tôi đi học : "Học yêu thương, học cho đi và học lãnh nhận". Đây là lần đầu tiên chúng tôi đến thăm Giáo xứ Khánh Thọ, nơi có Cha Đaminh Phan Châu Bảo làm Quản xứ. Cha Đaminh là một trong 22 người con của Thanh Đức được ơn Chúa gọi làm Linh mục cho Người.



Giáo xứ Khánh Thọ hiện nay gồm chừng 900 giáo dân thuộc 4 Giáo họ. Ba Giáo họ sống gần nhau trong cùng một xã với hơn 500 nhân khẩu, nơi có nhà xứ và Nhà thờ chính. Giáo họ còn lại ở xã Tam Lãnh, cách nhà xứ Khánh Thọ trên 25 km đường đèo dốc quanh co, nằm tận trên các đỉnh núi bao bọc lấy hồ Phú ninh rộng lớn, được tráng nhựa nhưng rất nguy hiểm khi tham gia giao thông. Hơn 400 anh chị em Công giáo Tam Lãnh sống chan hòa với đồng bào của mình.  Một mai kia, khi Tam Lãnh trở thành Giáo xứ, căn nhà xứ đang xây dở chắc chắn không thể "chứa đựng" nổi những chương trình sinh hoạt của bà con tín hữu rất mộ Đạo và nhiệt thành với Nhà Chúa nơi đây.



Theo các vị cao niên cho chúng tôi biết, người dân Khánh Thọ nhận ơn Đức tin cách nay đã gần 100 năm, do một số giáo dân xuôi về Thuận Yên làm ăn sinh sống và đã theo Đạo, chịu phép Rửa, về sau trở lại Khánh Thọ, quyết tâm gìn giữ Đức tin đã lãnh nhận được rồi truyền lại cho con cháu...
Năm 1933, Cha Simon Dương Văn Vận, Linh mục Quản xứ tiên khởi Tam Kỳ, đã về đây cất lên ngôi nhà thờ rất đơn sơ bằng tre nứa, đất nung, mái lợp bằng rơm và tranh. Mãi tới năm 1960, ông Nguyễn Phán, Xã Trưởng Khánh Thọ, là một tín hữu, đã vận động bà con xây dựng lại Nhà thờ bằng gạch đá, lợp mái bằng tôn, khá khang trang vào thời ấy. Đến năm 1973, ngôi Thánh đường nhỏ bé này đã bị bom đạn chiến tranh phá hủy gần như toàn bộ. Ngôi Nhà thờ hiện nay do Cha Bênêdictô Nguyên Tấn Khóa, Quản xứ kiêm Hạt Trưởng Tam Kỳ, cho xây dựng cách nay đã trên 10 năm (2000), lúc ấy Khánh Thọ còn là một Giáo họ thuộc Giáo xứ Mẹ Thuận Yên.
Khi về nhận trách nhiệm Cha Sở Tiên khởi của Giáo xứ Khánh Thọ, Cha Đaminh Phan Châu Bảo lập đài Đức Mẹ, nơi dùng để cử hành các Thánh lễ trọng ngoài nhà thờ, và đại tu toàn bộ nhà xứ dùng vào việc dạy Giáo lý, tập hát và sinh hoạt của các Đoàn thể.






Chúng tôi đến Khánh Thọ lần đầu tiên này chủ yếu để thăm Cha Đaminh ví đã lâu không gặp được ngài. Hồi trẻ, khi còn ở Thanh Đức, Cha đã hoạt động rất tích cực trong các Hội đoàn và các phong trào của Giáo xứ. " Chú Bảo "  từng là ca viên Ca đoàn, Huynh Trưởng Thiếu Nhi và là một Giúp lễ của Giởi Trẻ. Để làm quà tặng ("miềng trầu là đầu câu chuyện"), chúng tôi mang theo một số hàng nhu yếu phẩm, quần áo cũ, sách giáo khoa học sinh từ Lớp Một đến Lớp Mười Hai và những tập vở dành cho các cháu nhỏ.
Đón chúng tôi ngay sân Nhà thờ là ông Phó Ban Mục vụ Giáo xứ kiêm Nội vụ. Sự hiếu khách, lòng chân tình, mộc mạc của ông làm chúng tôi quên bao mệt nhọc sau chặng đường dài gần 100 cây số.
Riêng Cha sở, ngài " xin lỗi " ví đang bận cắt tóc nửa chừng cho một giáo dân (tuyệt vời, phải không các bạn ?)







Sau khi chào Cha và các Vị, chúng tôi vào Nhà thờ viếng Thánh Thể. Trong không gian bé nhỏ nhưng ấm áp, chúng tôi dâng lời tán tụng, tạ ơn và  cầu nguyện cho từng  người, từng gia đình, cho Giáo xứ mới Khánh Thọ đang gặp nhiều khó khăn về mọi mặt, nhất là cho Cha Đaminh luôn trung thành trong Ơn Gọi và mãi mãi là Mục tử như lòng Chúa ước mong.





Chúng tôi dùng cơm trưa cùng Cha sở và các vị Ban Mục vụ Giáo xứ với đủ hương vị đặc sản " gà đi bộ Tam Kỳ ". Quả là "lời đồn chẳng sai" ! Gà ngon bún ngọt cộng với tình người, sao nghe mát lòng ấm bụng đến vậy !
Bất ngờ thú vị nhất là khi ông Khoa, Phó Ban Mục vụ kiêm Đối ngoại, chân tình mời chúng tôi tháp tùng Cha sở lên Giáo họ Tam Lãnh, nơi gia đình ông đang sinh sống. Theo lịch đã sắp xếp, Cha sở sẽ cử hành Thánh lễ Chúa nhật vào chiều nay và sáng sớm ngày mai tại Tam Lãnh. Dù không có trong chương trình, hơn nữa theo tin báo từ gia đình, chúng tôi biết được cơn bão số 10 đang gây gió mạnh và mưa lớn tại Đà Nẵng chiều nay, nhưng chúng tôi cũng không thể nào từ chối lời mời hết sức chân thành của ông.







Viếng Nhà thờ Giáo họ Tam Lãnh xong, chúng tôi ghé thăm và vui chơi tại nhà ông Phó ban mục vụ Khoa. Đập vào mắt chúng tôi là một khu vườn rộng lớn với cả một rứng quế xanh tốt chừng hơn một mẫu đất, cây ăn quả, rau thơm các loại mọc xum xuê quanh vườn, một ao cá trê với cả hàng trăm con, một đàn "gà đồi đi bộ" không thua gì ở vùng Cao Bằng Lạng Sơn mà chúng tôi đã có dịp ghé đến...








Cây nhà lá vườn đủ cho tất cả chúng tôi một bữa lai rai đậm tình quê hương giữa vùng núi bạt ngàn "hương đồng cỏ nội" : Mùi lá chanh thơm phứt ướp cá trê nướng mọi, mùi rau răm trộn với thịt gà cho món xé bóp thơm đến " nôn nao ", mùi rượu gạo nguyên chất ngâm với cả đàn ong vè vẻ uống tê cả đầu lưỡi... 
Hương quế nhè nhẹ theo từng đợt gió thổi qua càng làm đậm đà thêm tình thương giữa chúng tôi, những người vừa mới gặp mà như đã quen nhau từ thuở nào.




Khi hoàng hôn đã về trên những táng cây xanh sẫm, chúng tôi chào tam biệt Tam Lãnh, hẹn tái ngộ những con người đơn sơ, mộc mạc, dễ mến, nhưng đầy chân tình và không thiếu nhiệt thành, khiêm tốn... trong việc phụng sự Thiên Chúa, phục vụ tha nhân.



nguyenhungdung








































Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

NÉN CƠN GIẬN



















Noel của ba,
Con hay nói với ba : " Tình thương và mọi thứ ba đã dành cho mẹ và con, con thật sung sướng vì nó quá tuyệt vời... Con rất an tâm và hạnh phúc khi luôn có ba mẹ bên cạnh để " nâng cánh ước mơ " cho con... Con rất thích thú và nhẹ lòng bởi ba mẹ luôn gần gủi với con, con có thể " tâm sự " mọi chuyện mà không hề e ngại...Con luôn cảm thấy mình được Chúa và Mẹ yêu thương chăm sóc từng giây từng phút, bởi ba mẹ luôn khuyến khích, luôn nâng đỡ con kinh nguyện, dự lễ hằng ngày, điều mà ba mẹ đã đi trước và cùng con thực hiện trong an bình và tín thác... 
" Nhưng, ba ơi ! Có một điều mà con thường băn khoăn lo lắng và nhiều lúc rất buồn rất bực, là ba mau nòng giận quá ! Khi ba nòng lên rồi, ba lại nói những câu thật khó nghe, khó chấp nhận. Con biết, con cảm nhận được " người nóng tính thường thật bụng, dễ chơi " như mọi người đều bảo vậy. Hơn nữa, ba " mau nóng " và cũng " mau nguội ", chưa hề để bụng và nhỏ nhen chuyện gì... Thế nhưng, bầu khí gia đình và cả nơi ba làm việc, chắc chắn sẽ ngột ngạt, mất vui vì sự nóng giận của ba ! ... "
Cám ơn con thật nhiều, Noel !
Không chỉ con mà bạn bè thân thiết của ba cũng bảo thế.
Và ba đã cố gắng không ngừng...
Hôm nay, ba được đọc từ Email của mợ Túy, người thường xuyên gửi cho ba những mẫu chuyện " rất đáng đọc ". Ba đăng lại đây, thay cho lời yêu thương và lòng biết ơn con và mẹ, và như một lời " vàng ngọc " luôn nhắc nhở ba mọi ngày.

Một hôm, một vị Samurai đến thu nợ của người đánh cá. Người đánh cá nói: “Tôi xin lỗi, nhưng năm vừa qua thật tệ, tôi không có đồng nào để trả ngài.” Vị Samurai nổi nóng, rút kiếm ra định giết người đánh cá ngay lập tức. Rất nhanh trí, người đánh cá nói: “Tôi cũng đã học võ và sư phụ tôi khuyên không nên đánh nhau khi đang tức giận.”
Vị Samurai nhìn người đánh cá một lúc, sau đó từ từ hạ kiếm xuống. “Sư phụ của ngươi rất khôn ngoan. Sư phụ của ta cũng dạy như vậy. Ðôi khi ta không kiểm soát được nỗi giận dữ của mình. Ta sẽ cho ngươi thêm một năm để trả nợ và lúc đó chỉ thiếu một xu thôi chắc chắn ta sẽ giết ngươi.”


Vị Samurai trở về nhà khi đã khá muộn. Ông nhẹ nhàng đi vào nhà vì không muốn đánh thức vợ, nhưng ông ta rất bất ngờ khi thấy vợ mình và một kẻ lạ mặt mặc quần áo samurai đang ngủ trên giường. Nổi điên lên vì ghen và giận dữ, ông nâng kiếm định giết cả hai, nhưng đột nhiên lời của người đánh cá văng vẳng bên tai: “Ðừng hành động khi đang giận dữ”. Vị Samurai ngừng lại, thở sâu, sau đó cố tình gây ra tiếng động lớn. Vợ ông thức dậy ngay lập tức, kẻ lạ mặt cũng vậy, hoá ra đó chính là mẹ ông.
Ông gào lên: “Chuyện này là sao vậy. Suýt nữa con đã giết cả hai người rồi!”
Vợ ông giải thích: “Vì sợ kẻ trộm lẻn vào nhà nên thiếp đã cho mẹ mặc quần áo của chàng để doạ chúng.”



Một năm sau, người đánh cá gặp lại vị Samurai. 
“Năm vừa qua thật tuyệt vời, tôi đến để trả nợ cho ngài đây, có cả tiền lãi nữa”, người đánh cá phấn khởi nói.
“Hãy cầm lấy tiền của ngươi đi.” Vị samurai trả lời, “Ngươi đã trả nợ rồi.”


(Sưu tầm)




Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013


Ông biết tôi là ai không?
Thời buổi này, mỗi sáng, khi đọc báo (giấy, điện tử), thấy đăng đầy các tin tức hành xứ kiểu " cha chú " của những kẻ ỷ thế cậy quyền, những tay côn đồ đâm thuê chém mướn... bất chấp đạo lý làm người, bất chấp truyền thống thương yêu, nhường nhịn của dân tộc Việt.
Cái lý của kẻ mạnh : " cá lớn nuốt cá bé",  " nhất thân nhì thế ", " mạnh vì gạo bạo vì tiền "... cứ thế " phát triển " không có điểm dừng. Buồn nhất là không ai dám nói, dám chỉ trích, rồi dần dà mọi người đâm ra vô cảm do sợ : sợ phiến toái, sợ trả thù, sợ bị hành hung và không khéo lại bị vào tù oan. Chỉ cần một cái nhìn, một câu nói bình thường, nhưng khi bị gắn thêm từ " đểu " vào, thế là có chuyện : những cú đấm, những đòn thù, cả những dao búa súng đạn cũng được sử dụng không run tay...
Tình cờ được đọc bài " Ông biết tôi là ai không ?" của Bùi Bảo Trúc (đăng trên Trang " giadinhnazareth.org) quá thâm thúy, rất tâm đắc, câu chuyện nhẹ nhàng nhưng ý nghĩa phê phán mạnh mẽ. Xin giới thiệu với các bạn.



Cho mãi đến mấy hôm trước, tôi mới tìm ra được câu trả lời cho một câu hỏi tôi bị hỏi từ hơn ba mươi năm trước.   Một bữa đang ngồi trong quán Cái Chùa (La Pagode), đường Tự Do, Sài Gòn, thì tôi bị một người đàn ông gây sự và cuối cùng ông ta quăng ra cho tôi câu hỏi: "Ông biết tôi là ai không?" Quả thật lúc ấy, tôi không biết ông ta là ai thật. Ông không phải là một tài tử, một nhà văn, hay một chính trị gia nổi tiếng để tôi phải biết. Tôi đành ngồi đó, chịu thua ông, không có câu trả lời. Ít lâu sau, tôi được cho biết ông đi theo, làm đàn em cho một ông tướng, và nhờ đó, ông thỉnh thoảng đem chút "hào quang" vay mượn được để hù dọa những người yếu bóng vía như tôi.   
Sang đến Mỹ, thỉnh thoảng tôi cũng bị hỏi câu hỏi đó, mà đau cho những người đó, cả Mỹ lẫn Việt, tôi không bao giờ có câu trả lời cho họ cả. Họ thì nghĩ tôi phải biết họ, mà thật tình, tôi thì không hề biết họ bao giờ. Và cứ mỗi lần bị những nhân vật như thế cật vấn, tôi chỉ biết ngẩn mặt ra, giả bộ lục lọi cái trí nhớ thảm hại của tôi để tìm câu trả lời cho người nổi tiếng nhưng vô danh và không ai thèm biết đó.   
Mấy tháng trước, trong chuyến về lại California, tôi phải ghé lại New Jersey để đổi máy bay. Phi cơ của tôi bị trễ hơn một tiếng. Hành khách có một số rất bực bội vì công việc bị xáo trộn do sự chậm trễ của máy bay gây ra. Tại quầy bên cạnh cổng 112, một tiếp viên dưới đất của công ty đang cố giải quyết những yêu cầu, khiếu nại của khách hàng thì bỗng nhiên một hành khách có vẻ tức tối lắm, lấn lên phía trên, len qua mặt mấy người khác và ném tấm vé lên quầy. Ông ta nói lớn rằng ông ta muốn được cho bay chuyến sớm nhất và phải xếp cho ông ta ngồi hạng nhất. Người tiếp viên trả lời rằng cô xin lỗi về những phiền nhiễu mà chuyến bay gây ra cho ông, nhưng cô cũng phải giải quyết những hành khách tới trước và hứa là sẽ giúp ông khi đến lượt ông. Nhưng ông khách không bằng lòng, ông hỏi như hét vào mặt cô, rõ ràng là để cho các hành khách khác cũng nghe được. Ông hỏi đúng câu mà tôi cũng bị hỏi mấy lần: "Do you know who I am?"

Thì ra người Mỹ, trẻ và xinh như cô tiếp viên cũng bị hạch hỏi bằng câu đó chứ chẳng riêng gì tôi. Tôi liền cố lắng tai nghe xem cô tiếp viên ở quầy trả lời như thế nào để biết mà ứng phó sau này. Người phụ nữ này, vẫn tươi cười, cầm chiếc micro của hệ thống khuếch âm lên và nói lớn bằng giọng rành rẽ rằng : "  quầy 112, có một vị hành khách không biết mình là ai, quí hành khách ai có thể giúp ông ta biết được căn cước của ông, xin tới quầy 112".
Ông khách tự nhiên, vì chính câu hỏi của ông, biến thành một bệnh nhân tâm thần, một người mắc Alzheimer, một người lãng trí, tâm lý, thần kinh thác loạn, lẫn lộn bản thể, không còn nhớ mình là ai, tên gì, ở đâu nữa. Và lúc ấy thì đám hành khách đang sốt ruột đứng trước quầy đều phá ra cười. Ông khách điên tiết, chỉ mặt người tiếp viên ở quầy và bật ra một câu chửi thề tục tĩu: "F... you!".   
Người phụ nữ ở quầy, không một chút giận dữ, bằng giọng bình thản, trả lời ông nguyên văn như thế này: " I'm sorry, sir, but you'll have to stand in line for that, too." Thưa ông, chuyện đó, chuyện ông đòi giao hợp với tôi, ông cũng phải xếp hàng chờ đến lượt mới được.   
Chao ôi, hay biết là chừng nào! Thế mà tôi không nghĩ ra từ bao nhiêu năm nay để mà ấm ức không nguôi. Bây giờ, nếu người đàn ông ở La Pagode hay dăm ba người khác đặt lại câu hỏi đó với tôi, thì tôi đã có ngay được câu trả lời học được của người tiếp viên phi hành ở phi trường Newark, New Jersey hai hôm trước.


Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013






MT VIC NH THÔI
Trong xã hội ích kỷ hôm nay, hầu như ai ai cũng mưu tìm sự thoải mái vật chất cho mình và gia đình; con người đang ngày một thờ ơ, vô tâm với những thứ xung quanh từ thiên nhiên, động vật cho tới chính giữa những đồng loại với nhau; sống mất đi niềm tin vào những ai mình gặp trên đường đời, nhất là những người với vẻ bề ngoài cơ cực, nghèo khó…
Lang thang trên net, bất ngờ đọc được câu chuyện rất thật vừa thương tâm vừa cảm động này (không thấy ghi tên tác giả), xin chia sẻ cùng mọi người, cách đặc biệt với các bạn trẻ của tôi.



Một gia đình gồm hai vợ chồng và bốn đứa con nhỏ. Dịp hè, họ cùng đi nghỉ mát ở một bãi biển. Bọn trẻ rất thích tắm biển và xây những tòa lâu đài trên cát. Bố mẹ chúng thuê một cái lều ngồi uống nước trên bờ, dõi nhìn các con vui đùa không quá xa ngoài kia phía trước mặt.

Thế rồi họ trông thấy một bà cụ già nhỏ nhắn ăn mặc xuềnh xoàng, trên tay cầm một chiếc túi cũ đang tiến lại. Tóc bà đã bạc trắng, bị gió biển thổi tốc lên càng làm cho khuôn mặt nhăn nheo của bà thêm khó coi. Bà cụ đang lẩm bẩm một điều gì đó, dáo dác nhìn rồi thỉnh thoảng lại cúi xuống nhặt những thứ gì đó trên bãi biển, bỏ vào cái túi.

Hai vợ chồng không hẹn mà cùng vội chạy ra gọi các con lại, căn dặn chúng phải tránh xa người đàn bà khả nghi kia. Dường như họ cố ý nói to cho bà ta nghe thấy để bà ta nên đi chỗ khác kiếm ăn.

Cụ già không biết có nghe thấy gì không giữa tiếng sóng biển ì ầm, chỉ thấy bà cứ từ từ tiến về phía họ. Thế rồi bà cụ dừng lại nhìn mấy đứa trẻ dễ thương đang ngơ ngác nhìn mình. Bà mỉm cười với họ nhưng không ai đáp lại, chỉ giả vờ ngó lơ đi chỗ khác. Bà cụ lại lẳng lặng làm tiếp công việc khó hiểu của mình. Còn cả gia đình kia thì chẳng hứng thú tắm biển nữa, họ kéo nhau lên quán nước phía trên bãi biển.

Trong lúc chuyện trò với người phục vụ bàn ăn cùng những khách hàng trong quán, hai vợ chồng quyết định hỏi thăm xem bà cụ khả nghi kia là ai và họ... sững sờ : Bà cụ ấy là người dân ở đây, từng có một đứa cháu ngoại vì bán hàng rong trên bãi biển, vô tình đạp phải một mảnh chai rồi bị nhiễm trùng, sốt cao, đưa đi bệnh viện cấp cứu không kịp và đã chết không lâu vì bệnh uốn ván. Từ dạo ấy, thương cháu đến ngẩn ngơ, bà cứ lặng lẽ đi dọc bãi biển, tìm nhặt những mảnh chai, mảnh sắt hoặc hòn đá có cạnh sắc. Mọi người hỏi lý do thì bà đáp mà đôi mắt ướt nhòe: "ồ, tôi chỉ làm một việc nhỏ thôi ấy mà, để các cháu bé có thể vui chơi trên bãi biển mà không bao giờ bị chết như đứa cháu đáng thương của tôi!".

Nghe xong câu chuyện, người chồng vội chạy ngay xuống bãi biển mong có thể nói một lời xin lỗi và một lời biết ơn chân thành, nhưng bà cụ đã đi rất xa rồi.

Bóng bà chỉ còn là một chấm nhỏ trên bãi biển vắng người khi chiều đang xuống... 



Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

BÀI HÁT : " THANH ĐỨC, MỘT CON THUYỀN "


Trong dịp chào mừng Đức Khâm Sứ, TGM Leopoldo Girelli, thăm mục vụ Giáo xứ Thanh Đức sáng Chúa nhật 15/9/2013 vừa qua, Ban Tổ chức cho trình diễn tiết mục múa để chào mừng Phái đoàn có sử dụng bài hát " Thanh Đức, một con thuyền " làm nhạc nền. Nhiều người, nhất là các bạn trẻ đã hỏi về bài hát này. 
Để "trả lời" cho tất cả, xin được đăng ít dòng trích từ cuốn " Hồi ký được viết không bởi một người " (phổ biến năm 2006) của PMD, là tác giả của bài hát và cả cuốn hồi ký này (trang 284-290)



" Thanh Đức, một con thuyền " ra đời khá sớm, đúng thời điểm Giáo xứ mở đầu chương trình mừng 50 năm thành lập (01/1/2004) thì đã được thu đĩa, được " mở " rộng rãi ở các quán cà phê trong Xứ : Cà phê Thành, Cà phê Sinh, Cà phê Cường và tại các gia đình của các " ca sĩ " trình bày ca khúc này. Xin chân thành cám ơn Cha Quản xứ Phanxicô Xavie Đặng Đình Canh, Cô Ủy viên Thư Ký HĐGX Maria Mad. Trương Thị Vang, đã động viên Hắn sáng tác bài hát này.
Thật ra, khi được Cha Quản xứ và Cô Vang đặt vấn đề mong Hắn sáng tác một ca khúc để dùng trong dịp kỷ niệm mừng Sinh nhật lần thứ 50 Giáo xứ Thanh Đức, Hắn chẳng biết phải lấy chủ đề nào cho phù hợp. Đây sẽ là bài ca cổ động ?, hay là bài hát " tuyên truyền " ?, hay là Thánh ca truyền thống phải xin phép Đấng Bản Quyền Giáo phận để sử dụng trong Thánh lễ mừng Kim Khánh ?... Một vấn đề " nhức đầu " khác là nếu viết về 50 Giáo xứ Thanh Đức thì đề cập điều gì là trọng tâm và hợp thời nhất ? Xin tâm sự là Hắn cảm thấy rất khó để viết được một ca khúc hay, dễ hát, ca từ đơn sơ nhưng không dễ dãi, được sử dụng một cách phổ thông và nhiều người yêu thích. 
Năm mươi năm Giáo xứ Thanh Đức đối với Hắn là một sự kiện hết sức đặc biệt và quan trọng. Nổi trội là mỗi người, mỗi gia đình, mỗi Giáo họ, mỗi Đoàn thể ... đều nhận thấy rõ hồng ân của Chúa tuôn đổ tràn trề suốt chặng đường dài " hình thành và phát triển " ấy.
Riêng cá nhân mình, Hắn chính thức " nhập cuộc " cùng Giáo xứ từ sau biến cố 1975, khi mà Chúa qua Đức Cha Giáo phận Đà Nẵng, gửi Cha Phêrô Nguyễn Hữu Đăng về với Thanh Đức, Hắn sinh hoạt trong Ca đoàn Giáo xứ, Đoàn Hùng Tâm Dũng Chí. Rồi cùng lặn lội với anh chị em Nhóm Giới Trẻ và đã từng là Ông Phó Đại diện Giáo họ Gioan... Vậy nên, bao kỷ niệm đáng ghi nhớ Hắn có được với Thanh Đức phần lớn ở vào thời kỳ này. 

Nhân dịp " Kỷ niệm tuổi bảy mươi " của mình ( tức là vào năm 2000 ), Cha Phêrô Nguyễn Hữu Đăng cho in tập " Thơ " với bút hiệu là Hoài Nhã. Hắn may mắn được Cha tặng một cuốn qua một người thân tín của Cha. Và chính bài " Trôi chảy dòng đời " đã cho Hắn cảm hứng để sáng tác ca khúc " Thanh Đức, một con thuyền ". Hắn mượn " 4 câu 5 chữ " trong bài thơ ấy để mở đầu và mượn luôn câu " Thanh Đức, một con thuyền " đặt tên cho bài hát này.

Ai đã từng sống bên Cha Phêrô trong những ngày :
" Bảy Lăm, Hai Chín, Tháng Ba,
Trăm năm một cuộc cũng là bể dâu...
" Tai ương trút xuống trên đầu,
Còn ba chết bảy biết đâu mà ngờ...
...
" Sông Hàn còn nước chảy xuôi,
Còn giòng nước mắt khóc người, người ơi ! ... "
( " Từ ngày ấy " , Hoài Nhã )
mới cảm, mới hiểu ( mà nào hết được đâu ) ý từ của bốn câu thơ Hắn đã mượn !
Sau khi bài hát hoàn chỉnh, việc đầu tiên là in và gửi vào cho Cha Phêrô đang nghỉ hưu tại Phan Thiết, vừa tặng Cha mà cũng vừa xin phép ngài cho phép Hắn sử dụng 4 câu thơ ấy.
Ngày 06/2/2004, Hắn nhận được hồi âm của Cha đề ngày 02/2/2004, ngài viết :

... " Cha Phong đã chuyển thư của anh Dũng đến tay già lão. Tuy có bất ngờ nhưng cũng vui vui : được nhạc sĩ phổ nhạc những lời thơ mộc mạc cằn cội của mình thì già cũng được mát ruột rồi ( Cha Kim Long đã có phổ nhạc bài " Lời Ngài " ), anh Dũng muốn sao cũng được hết...
Xin Mẹ Maria phù hộ chúng ta trong Tình thương và Hiệp nhát mãi mãi.
Già gửi lời thăm tất cả những người thân yêu của chúng ta.
Thân ái, 
Lm. Nguyễn Hữu Đăng (ký) "

Một lần nữa Hắn lại " mắc nợ " Cha Phêrô. " Nợ cũ " chưa trả được ( Không, đúng hơn là " không trả nổi "), nay lại vay thêm " nợ mới ". Cha kính yêu, con chỉ biết ghi ơn Cha mà thôi, con làm được chi hơn để đáp lại tấm lòng ưu ái của Cha ? 
Nhờ sự giúp đỡ của anh Đặng Quốc Bửu, các em bè nam : Xuân, Khánh, Tú, Trọng; các em bè nhất nữ : Cúc, Nga, Hương, Nữ, ..., Hắn thu ca khúc này vào CD. Hắn mang tặng Cha Quản xứ Phanxicô Xavie, Cha Phêrô, Thầy Nhựt, một vài anh chị em khác nữa.

Rất mừng là ca khúc được đông đảo Giáo dân đón nhận. Nó cũng được sử dụng trong lần hành hương về La Vang ngày 06+07/6/2004, và nhất là được hát trong đêm liên hoan mừng Kim Khánh Giáo xứ qua ban đồng ca có một không hai gồm Cha Quản xứ FX, Cha phó Đệ, Thầy Nhựt, ông Kỳ, ông Lành ( USA), một số ca viên Ca đoàn Giáo xứ, và cả Hắn nữa, dưới sự điều khiển của MC Lê Hồng Trọng. 

Ngay khi bài hát này bắt đầu được sử dụng, có ý kiến của Cha Xứ, vài Vị trong BTV HĐGX, anh chị em trong Nhóm Giới Trẻ,..., đề nghị Hắn sửa lời hai câu cuối của điệp khúc (Năm mươi năm phúc đức, Kim Khánh lòng ngất ngây) để có thể hát trong mọi sinh hoạt của Giáo xứ.
Đến hôm nay (6/2005), xin được chính thức sửa lại hai câu cuối thành :
" Hân hoan trong khúc hát,
Thương mến càng đắm say "
Và điệp khúc sẽ là :
" Cùng hát vang bài ca
Tình mến thương chan hòa
Nắng trời Đông rực sáng
Ơn Chúa Trời bao la
Bàn tay nắm bàn tay
Đẹp phút giây sum vầy
Hân hoan trong khúc hát
Thương mến càng đắm say "

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013


NHỮNG CON CÀO CÀO XANH
(từ Email của người chị chia sẻ với lời nhắn : Đố ai đọc đến dòng cuối cùng mà không khóc ")



Đứng trong hàng rào kẽm gai của khu thăm nuôi. Bé Mai cố nhướng mắt để tìm người cha thân yêu của mình trong số những đoàn người gầy guộc, xanh xao, vàng vọt đang lếch thếch cất bước trên đường về trại tù. Với ánh nắng trưa hè gay gắt,mọi nguời đi thăm nuôi đều đứng trong mái hiên ngẩng cổ nhìn ra. Riêng bé Mai bất chấp những tia sáng nóng đang rọi trên đôi má ửng đỏ, những giọt mồ hồ đang rịn trên trán. Cô bé cố giơ cao những con cào cào xanh hướng về phía đoàn người đang lần lượt đi qua, hầu mong cha của mình sẽ mau chóng nhận ra. Ông Sinh đã nhận ra con gái , ông giơ cao lon gô vẫy vẫy. Bé Mai sung sướng reo lên :
“Má ơi. Con thấy ba rồi! Con thấy ba rồi ! "
Đoàn tù vẫn bình thản bước lên đồi. Ông Sinh vừa đi vừa ngoảnh cổ lại đằng sau nhìn con...Khi không còn thấy hình bóng cha nữa, bé Mai mới chịu chạy lại bên mẹ thút thít khóc
Thiếu phụ rút khăn tay lau mồ hôi trên trán con, vuốt mái tóc bé an ủi :
“Nín đi con, tí nữa mẹ con mình gặp cha rồi.”
Thời gian thăm nuôi thật ngắn ngủi, chỉ mười lăm phút. Ông Sinh chỉ kịp ôm con vào lòng, hôn lên má con. Hỏi han vợ năm ba câu, chẳng nói được gì nhiều, đã gần hết giờ.
Mọi người trong phòng thăm nuôi chỉ biết nhìn nhau khóc và khóc. Đến gìờ. Tay cán bộ oắt con quơ quơ khẩu súng AK về phía mọi ngừời:
“ Đã hết giờ, yêu cầu mọi người đứng lên ra về.”
Ông Sinh vôi vàng nắm chặt hai bàn tay vợ và ôm hôn con lần cuối, xách bao gói lương khô cùng mấy con cào cào theo chân mọi người ra cửa...
Ngồi trên chuyến xe lô trở về thành phố, hầu hết là những bà vợ đi thăm nuôi chồng, họ đều mệt mỏi trong cuộc hành trình dài. Phần vì đường xa, phần vì phải thức khuya dậy sớm để nấu thức ăn, giờ đây tất cả đều cố nhắm mắt thiu thiu ngủ dưỡng sức. Riêng bé Mai không tài nào ngủ được, dù rất muốn ngủ và mệt mỏi. Hình dáng của người cha luôn luôn lởn vởn trong trí óc bé, thân hình gầy gò, đen đủi cùa ông khác xa với hình dáng trắng trẻo, hồng hào, mập mạp trước kia rất nhiều. Bé là người được cha thương yêu nhất. Đêm nào ông cũng ru bé ngủ, kể truyện cho bé nghe, trước khi rời khỏi phòng ông không quên hôn lên nút ruồi son trên cổ bé, mà ông thường gọi đùa là : " Nốt ruồi mang đến nhiều sự may mắn.”
Ông có đôi bàn tay rất khéo léo và nghệ thuật. Chính ông đã dậy cho bé xếp hình những con thú, đồ vật bằng giấy, nhất là thắt hình những con cào cào bằng lá dừa non thật là tuyệt, trông chúng đẹp, hùng dũng, oai phong biết bao! Bé rất thích và thường thắt để tặng bạn bè, vì thế chúng thường chọc và gọi bé lá con cào cào xanh.Biệt hiệu này bé rất thích và thường hay kể lại với cha. Ông nói con cào cào xanh với đôi chân cứng cáp, nhảy xa, biểu hiện cho tương lai vững chắc. Cha muốn con gái của cha sau này cũng giống như những con cào cào này.

Riêng ông Sinh, ông không thể không cầm được nước mắt khi nhìn giỏ quà của vợ con. Sau gần hai năm tù cải tạo, đây là lần đầu tiên ông được thăm nuôi. Giỏ quà dù ít nhưng nó đã gói ghém biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, tình thương của gia đình, dù ít nhưng ông rất ấm lòng. Nhất là mấy con cào cào xanh, nhìn chúng ông cảm thấy vui vui và xao xuyến trong lòng. Cô bé không biết đã bỏ biết bao nhiêu công sức, tình thương yêu gói trọn vào đó để dành cho cha. Nghĩ tới đó tim ông như thắt lại
Đây là lần đầu và cũng là lần cuối ông gặp mặt vợ con. Kể từ ngày thăm nuôi cho tới mấy năm sau này, ông không hề nhận được bất cứ tin tức gì về gia đình. Lòng ông như rối bời, tâm tính như mất trí, thân xác kiệt quệ. Mấy lần ông đã ngã qụy, tưởng không thể sống nổi, may nhờ bạn bè an ủi, giúp đỡ về vật chất cũng như tinh thần, ông đã qua khỏi...
Cuộc sống tù đầy cứ như thế: Chịu đựng, đau khổ, đói khát. Cho tới cuối năm 1981 ông được thả về.

Ra khỏi tù, ông không còn nơi nương tựa. Theo chòm xóm cho biết : Vợ con ông đã vượt biên năm 1976. Gia đình bên vợ thì đã bán nhà dọn đi nơi khác, không biết biệt tích nơi đâu. Còn bên ông thì không có ai cả, vì ông vào Nam chỉ có một mình khi ông mới mười hai tuổi. Thế là hết ! không biết đâu mà mò.
Điều làm ông lo âu nhất, là vợ con ông có thật sự đi vượt biên không, hay là tin đồn nhảm?! Nếu đúng như vậy, liệu có thoát không? Hay là đã bị… Ông không dám nghĩ tiếp. Nếu thoát, tại sao không gửi thư về để cho ông biết tin Những câu hỏi tại sao ?...Tại sao?...làm cho ông điên đầu. Hiện giờ ông mù tịt và cũng không hiểu vì sao?!

Ra khỏi nhà tù nhỏ, ông lại vô nhà tù lớn. Cũng lao động thân xác để kiếm miếng ăn, cũng phải học tập, trình diện hàng tháng. Người ông càng ngày càng tiều tụy, nhưng ông phải ráng sống để có ngày gặp lại mặt vợ con
May mắn nhờ một người bạn tù cùng chung một tổ trong trại tù, đưa ông về nhà cho tá túc qua ngày, cùng chỉ bày ông cách thức vá giầy, dép cũ. Cuộc sống của ông cũng tạm qua ngày.
Dạo này trời Sài-Gòn hay đổ những cơn mưa bất tử, làm ông Sinh dọn hàng ra, cất hàng vào muốn bở hơi tai. 
Hai năm sau này công việc làm ăn của ông đâm khá ra. Giầy dép cũ mới, chôm chỉa gì ông cũng mua tuốt luốt, đem sửa chút ít, dánh bóng lại bán được gía cao.
Một người khách đi đến gian hàng ông. Ngắm nghía lựa một đôi, xỏ vừa chân, cầm lên hỏi :
“Bác, đôi này bao nhiêu?”
Đang cúi lau giầy, ông vội vàng ngửng đầu lên định trả lời. Nhưng thấy người khách ông bỡ ngỡ, cảm thấy rất quen nên chưa kịp đáp. Người thanh niên thấy mặt ông cũng giật mình lùi lại, trợn mắt như gặp phải ma. Cậu ta định thần nhìn kỹ. Vội hỏi :
“Xin lỗi, xin lỗi. Bác có phải…phải tên Sinh không?”
Cũng vừa kịp lúc ông Sinh nhận ra người khách lạ, chẳng ai khác chính là cậu em vợ của mình. Như bắt được vàng, ông Sinh rối rít dọn hàng không bán nữa.
Hai anh em kiếm một quán cà phê ngồi tâm sự.
Thì ra vợ con ông đi vượt biên thực sự, hiện định cư ở Mỹ. Vợ ông đã có chồng khác và đã có hai con, một trai, một gái. Cha mẹ vợ đã bán nhà ở thành phố, dọn về quê. Mấy năm nay ông bà vẫn đều đặn nhận được tiền bạc do con gái chu cấp hàng tháng và hiện cậu em trai vẫn còn ở với cha mẹ. Không hiểu vì lý do gì, cố ý hay có uẩn khúc gì khác, ông bà lại báo với con gái là ông đã chết trong trại tù.
Ngay ngày hôm sau, ông Sinh cùng cậu em vợ vội đáp xe đò về thăm gia đình vợ. Chuyến thăm này đã khiến ông Sinh nhận nhiều sự đắng cay tủi nhục. Sự ơ hờ, tiếp đón tẻ nhạt, đã làm ông thất vọng. Ông không có địa chỉ cũng như không có tin tức gì về vợ con. Ông chỉ biết đạì khái là : Vợ ông không muốn cho ông biết nơi ở của nàng. Chuyện ông bị chết là do công an tới nhà báo tin.
Nhưng nhờ vào lòng tốt của cậu em vợ, cuối cùng ông cũng có được địa chỉ của vợ con trong tay. Nhưng làm được gì với địa chỉ này ? Đối với vợ, ông có lỗi với nàng chứ không phải nàng có lỗi với ông. Ở vậy chờ chồng nuôi con là việc tốt, nếu không thì đành phải chấp nhận, không thể oán trách. Nhưng với con, ông phải có bổn phận và trách nhiệm. Ông nhớ cô bé vô cùng không kể xiết.
Ông đã viết thơ nhiều lần, nhưng chẳng bao giờ được hồi âm. Lại mù tin mù tức. Đầu óc ông rối rắm tơ vò. Con ông giờ đã ra sao rồi ?!...

Sau đó chương trình HO được cứu xét, đưa các sĩ quan tù nhân cải tạo qua Mỹ. Ông sung sướng bán tín, bán nghi. Nhưng sự thật đã đến. Giờ đây ông đã ngồi trên máy bay đến Mỹ theo diện HO.8. Việc đầu tiên của ông dự định là sau khi lo thủ tục giấy tờ xong, ông sẽ đi tìm vợ con.
Đứng trước cánh cổng sắt của căn nhà sang trọng, trong một thành phố thuộc tiểu bang Illonois, ông Sinh lưỡng lự không dám bấm chuông, lòng ông hồi hộp, tim đập loạn xạ... Ông đang tưởng tượng hình dáng vợ mình bây giờ thế nào? Con mình đã lớn khôn ra sao? Cô bé giờ đã hai mươi mốt tuổi rồi còn gì, không biết ông có còn nhận ra không?!
Rồi ông tự hỏi có nên vào hay không? Gia đình người ta đang hạnh phúc, mình vào có đúng lúc không? Đang lúc suy nghĩ miên man, chợt ông thấy một thiếu phụ từ trong nhà đi ra, tay cầm bình tưới cây nhỏ, tưới vào những chậu hoa trước cửa. Ông không thể nhầm được, đó chính là vợ mình dù thời gian có thay đổi. Ông tính rướn người lên gọi nhưng kịp ngừng lại. Một người đàn ông tóc vàng từ bên hông nhà đi tới, đến sau lưng người thiếu phụ, ôm choàng lấy nàng, hai người hôn nhau thắm thiết. Ông lặng người tê tái, quay gót bỏ đi.
Về quán trọ, ông viết vội vài chữ gửi cho vợ, hẹn nàng cho ông gặp mặt dù chỉ một vài phút. 
Ngồi trước mặt vợ, ông nhận thấy nàng rất đẹp, đẹp hơn trước nhiều, nhưng cũng không dấu được nhiều nếp nhăn trên trán khóe mắt, vành môi.
Để phá tan bầu không khí ngỡ ngàng, ông Sinh khen vợ:
“Em. Trông em đẹp lắm !”.
“Cám ơn anh. Anh qua đây từ bao giờ? Trông anh già và ốm yếu quá ! Anh có cần sự giúp đỡ gì không? Chồng em quen biết rất nhiều.”
Ông Sinh thấy nàng tự nhiên quá, không có nét xúc cảm nào lộ trên khuôn mặt. Ông cũng bình thản :
“Cám ơn em. Anh, chữ nghĩa tiếng Anh, tiếng u còn kém lắm, vả lại mới qua chưa cần gấp. Anh muốn gặp con, nó dạo này thế nào rồi ?”.
Không trả lời vội, nàng đẩy ly cà phê sữa tới trước mặt ông:
“Cà phê Starbuck này ở Mỹ có tiếng lắm. Em còn nhớ anh thích uống cà phê nên em kêu. Còn con hả, em cũng muốn mong gặp nó đây. Mấy năm nay nó chẳng hề ghé thăm mẹ. Lâu lâu gọi phôn lấy lệ”.
Ông Sinh nhỏm dậy:
“Em đã làm gì nó? Bây giờ nó ở đâu? Cho anh xin số phôn và địa chỉ của nó !
“Nào em biết. Nó không muốn cho em biết bất cứ điều gì.”
Ông Sinh như chết điếng :
“Em nói thật đó chứ?!”.
“Em không dối gạt anh. Dù chúng ta không còn là vợ chồng. Nhưng đối với con em rất mực thương yêu. Có anh đây em rất mừng, anh sẽ lo cho nó. Nó là đứa con rất có hiếu. Sự việc không hay xẩy ra, hoàn toàn do lỗi tại em. Anh đi tìm con dùm em. Cho anh biết thêm là hiện nay nó đang học nghành y, sắp ra trường. Anh cứ đi hỏi mấy trường đại học xem sao ! Em đã dò hỏi khắp mọi nơi rồi, nhưng vẫn biệt vô âm tín. Anh mới qua chắc cần tiền bạc, em giúp.”
Vừa nói, nàng vừa mở bóp lấy cuốn chi phiếu.
Ông Sinh nghe vợ nói một hồi như lùng bùng lỗ tai. Không cần nghe thêm, ông xô ghế đứng dậy...

Nhờ những người quen biết chỉ dẫn, ông Sinh đăng tin tìm người trên báo chí cả Mỹ lẫn Việt, cùng phôn tới tất cả các trường đại học xa gần, vẫn không có kết quả. Ở nước Mỹ to lớn này gồm năm mươi tiểu bang, có biết bao nhiêu trường đại học mà kể, tìm người như tìm kim đáy biển, biết đâu mà mò. Rồi ông lại suy nghĩ vớ vẩn, nhỡ con bé tự tử. Nghĩ tới, nghĩ lui làm ông rối trí thêm. Cuối cùng ông đành buông xuôi cho số phận thời gian.
Để mưu sinh và cũng để tạo cơ hội tìm kiếm, ông ghi danh đi học khóa đào tạo y công, phụ giúp trong các bệnh viện, hầu hy vọng có một ngày nào đó gặp được con mình...

Thời gian cứ thế trôi qua. Ông đã phục vụ rất nhiều bệnh viện trong tiểu bang California này mấy năm rồi, cũng thăm hỏi nhiều rồi, sự hy vọng của ông càng ngày càng giảm, hầu như tuyệt vọng.
Niềm vui thú duy nhất của ông hiện thời là mấy con cào cào xanh, mà ông cất rất kỹ từ khi thăm nuôi tới giờ, dù chúng đã khô héo quắt queo. Mỗi khi nhớ con ông lại mang ra ngắm nghía, tâm hồn ông lúc đó hoàn toàn chìm đắm trên khuôn mặt cuả bé Mai...

Jennifer Trần là một bác sĩ trẻ, đẹp, làm việc rất siêng năng, cần mẫn, hay giúp đỡ mọi người. Ai cần việc gì, khó khăn gì hay trong nhà cần chuyện gì, cần người thay thế, bác sĩ vui lòng giúp đở, dù đó là ngày nghỉ của mình. Bác sĩ đã có vị hôn phu cùng phục vụ trong cùng một bệnh viện. Hai người dự định làm đám cưới lâu rồi, nhưng không hiểu vì sao cứ lần này rồi lại lần khác, không thể thực hiện được. Bạn bè thúc giục, khuyên nhủ, nàng chỉ cười. Tuy là người vui tính thích bong đùa, nhưng bác sĩ Trần vẫn không dấu được nét buồn của mình. Nét buồn đó càng làm tăng thêm vẻ đẹp dịu hiền, mà ai cũng gọi đùa là “nữ hoàng sầu muộn”. Dù còn trẻ, nàng vẫn không thích nơi hội hè đình đám, những chỗ đông người, mà chỉ muốn sống cho riêng mình, nhưng đối với bạn hữu nàng cũng quậy ra trò.

Hôm nay ông Sinh nghỉ không đi làm. Ông rảnh rỗi cùng người bạn gìa đi thăm cháu gái của ông ta bị bệnh nằm trong bệnh viện. Tiện thể ông mang mấy con cào mà ông mới thắt đêm qua, cho cháu bé làm quà.
Ngày chủ nhật, bệnh viện sao có qúa nhiều ca mổ! Bác sĩ Trần đã thấm mệt, mồ hôi rịn đầy trán. Nàng lấy khăn mùi xoa chấm chấm mồ hôi, bây giờ nàng mới thực sự được rảnh tay.
Bác sĩ Trần đi qua dãy phòng khoa nhi để đến phòng ăn, vì từ sáng đén giờ nàng chưa có cái gì vào bụng. Những tiếng cười khanh khách của một bé gái nào đó vang lên từ phòng bệnh nhân. Cảm thấy vui vui nàng ghé lại nhìn thử. Một bé gái, nằm quay mặt vào phía trong, hình như đang giỡn với vật gì đó, làm cho cô bé khoái chí cười nức nẻ. Tính tò mò thúc đẩy, nàng rón rén lại gần, nhìn vào phía trong. Bất gíác nàng run người lên, mắt mở trợn trừng. Cô bé đang cho hai con cào cào xanh đá nhau, hai con cào cào được thắt bằng lá dừa, trông thật là đẹp. Nàng run run cầm lên mân mê. 
Nàng hỏi :
“Ở đâu bé có hai con cào cào này vậy?”.
Sợ bị la mắng, chơi đồ chơi trong phòng bệnh, Cô bé phân bua :
“Không phải của con mua, mà của ông già lúc nẫy cho con”.
Bác sĩ Trần không kềm được xúc động, hỏi dồn:
“Bao lâu rồi con? Ông đi đâu ?”.
Cô bé hốt hoảng :
“Dạ…dạ, con cũng hổng biết. Đã lâu rồi !”
Bác sĩ Trần hốt hoảng bước ra khỏi phòng, dáo dác nhìn quanh. Mặc kệ cho bụng đói, nàng chạy từ phòng nọ qua phòng kia, từ dẫy nọ qua dẫy kia để tìm kiếm. Trước sự lạ lùng đó, mọi nhân viên trong bệnh viện đều vây lại hỏi thăm, Nàng hỏi bâng quơ :
“Có ai thấy ông gìa nào đó trong bệnh viện không?”
Trước câu hỏi ngây ngô đó, mọi người đều không nín được cười, nhưng không ai dám cười trước vẻ nghiêm trọng của bác sĩ Trần.
Trong bệnh viện này, biết bao nhiêu ông già, bà cả đi thăm con cháu, người thân. Cảm thấy câu hỏi của mình quá ngớ ngẩn, nàng cười gượng :
“Thôi. Không có gì, cám ơn các bạn.”
Tuy nói vậy nhưng trong lòng nàng vẫn không yên, tự nghĩ: ”Chỉ có cha mình mới thắt kiểu đó, nhưng ông đã chết rồi mà! Chẳng lẽ vì quá nhớ cha mà đâm ra mê sảng ?”

Bác sĩ Trần, chính là bé Mai. Từ khi theo mẹ đi thăm nuôi cha, trở về nhà, không ngày nào bé không nghĩ đến cha của mình. Ngày vượt biển ra đi, bé nhất định không chịu, đợi ngày cha trở về đi cùng. Vì sự hăm dọa của ông bà ngoại cùng những lời khuyên giải của mẹ, bé đành ra đi. Sang đến Mỹ bé nhất định phải học giỏi để có tiền gửi cho bà ngọại đi thăm nuôi cha đều đều. Bé sẽ nhẩy cao, sẽ cứng cáp như những con cào cào xanh mà cha đã từng nói.
Cuộc vượt biên êm xuôi. Sau hơn một năm ở trên đảo, bé cùng mẹ được định cư tại Hoa Kỳ. Dòng đời đưa đẩy, mẹ lấy chồng khác, một anh chàng Mỹ giầu có. Cô bé có thêm hai đứa em gái.
Giờ đây, bé Mai đã mười chín tuổi, cái tuổi bước vô ngưỡng cửa đại học. Càng lớn nàng càng giống cha. Đã nhiều lần nàng viết thư và gửi tiền cho ngoại để hỏi thăm tin tức, cùng sức khỏe của cha trong trại tù, nhưng không ai trả lời. Có hỏi mẹ, chỉ được biết :
“Cha con đã chuyển đi ra ngoài Bắc rồi. Bà ngoại đã già không thể đi được.”
Nói sao nàng tin vậy. Mỗi lần nhớ ông, nàng lại mang hình hai cha con ra ngắm. Tấm hình nàng đã mang theo khi đi vượt biển.
Sống chung đụng trong cùng một mái nhà. Điều làm cho nàng ghê tởm, xấu xa, bỉ ổi nhất là anh chàng Mỹ kia cứ nhởn nhơ mặc quần lót đi trong phòng khách. Có lần hắn đã dám xàm xở ôm nàng xờ xoạng khi không có mẹ ở nhà. Từ đó nàng đã bỏ nhà đi sang tiểu bang khác, chỉ biết học và làm việc tự lo cho bản thân, lâu lâu hỏi thăm mẹ qua điện thoại công cộng.
Vào một ngày, khi điện thoại về thăm mẹ, được bà báo cho biết : Cha đã chết trong tù!
Mọi vật như sụp đổ. Nguồn hy vọng bám víu cuối cùng cũng không còn. Thế là hết !
Nàng đã khóc đến khô cả nước mắt, cuộc sống như tẻ nhạt, chán chường không còn tha thiết gì nữa! Nàng chỉ biết vùi đầu vào sách vở cho quên nỗi buồn, và phải chiến đấu, chiến đấu, cứng cáp như những con cào cào xanh mà cha nàng khi còn sống hằng mong mỏi. Cuối cùng nàng cũng lấy được mảnh bằng chuyên khoa giải phẩu.

Qua tin tức báo chí, bác sĩ Trần được biết các sĩ quan tù cải tạo được chính phủ Mỹ cứu xét cho định cư tại Hoa kỳ theo chương tình HO. Không hiểu sao nàng hồi hộp lạ thường. V
Rồi quyết định bỏ miền Đông tuyết phủ, trở về với nắng ấm Cali...

Hôm nay là ngày lễ Thanksgiving Day, nàng muốn đi ra biển. Không phải để tắm hay hóng gió mà nàng muốn làm một công việc, công việc này nàng đã dự tính từ lâu nhưng vì quá bận rộn nên không thể thực hiện được. Nhân ngày lễ Tạ Ơn nàng phải làm điều gì để nhớ ơn cha : Nàng sẽ thắt thật nhiều, thật nhiều con cào cào xanh thả xuống biển, để chúng mang lời cầu nguyện của nàng đến người cha thân yêu. Nàng tin tưởng rằng ở nơi xa xăm vĩnh cửu nào đó cha nàng sẽ nhận được lời khấn nguyện này.
Nàng rủ bác sĩ Hải, vị hôn phu, cùng đi chơi biển. Chàng rất thích thú lẫn ngạc nhiên về lời yêu cầu này, khác với bản tính trầm lặng không thích nơi ồn ào của nàng từ trưóc đến giờ, bèn đồng ý ngay.
Trong khi chờ đợi vị hôn phu đi mua thức ăn, nàng đã kiếm được khá nhiều lá dừa xanh, cẩn thận chau chuốt tước từng lá và bắt đầu thắt những con cào cào. Nàng để hết tâm trí vào công việc, chìm đắm trong niềm thương nhớ cha...
Ngoài kia, sau khi đã mua thức ăn, trên đường trở về chỗ cũ nơi bãi biển, chàng thấy một đám con nít đang vây chung quanh một cụ già ViệtNam, trên tay đứa nào cũng cầm một con cào cào, thấy hay hay chàng cũng xin một con.
Vừa đi vừa ngắm con cào cào, chàng cảm thấy nó rất đẹp và còn có vẻ oai phong nữa. Chàng sẽ cho vị hôn thê, chắc nàng sẽ thích thú lắm ! Về đến nơi. Thật, chàng không thể tin vào mắt mình, nàng cũng đang thắt…..những con cào cào.
“Em đang làm gì vậy ?”
“Thắt con cào cào.”
Chàng cầm con cào cào mới xin được, vẫy vẫy trước mặt nàng :
“Anh cũng có một con”
Nhìn con cào cào, mặt nàng tái mét, hỏi dồn:
“Ở đâu anh có nó ?”
Chàng chỉ về hướng đám trẻ:
“Một cụ già Việt Nam cho anh.”
Chẳng nói chẳng rằng, nàng nắm tay chàng chạy như bay về hướng chàng chỉ. Một ông già tóc bạc quá nửa, đeo cặp kiếng lão, hai tay đang thoăn thoắt thắt những con cào cào. Dù thời gian, tuổi tác có thay đổi, nhưng với hình dáng kia, nét mặt kia đã in sâu vào tâm khảm, nàng không thể nhầm được, chính là cha nàng. Qúa xúc động, nàng ngất xỉu...

Sự việc xẩy ra quá đột ngột, bác sĩ Hải hoảng hốt la lên cầu cứu. Ông Sinh (vâng, chính ông Sinh) ở vị trí gần nhất nghe tiếng hét vội vàng nhào tới. Ông vội thọc tay vào túi quần lấy lọ dầu xanh thoa lên hai thái dương cô gái, giựt tóc mai, giựt gân cổ...
Bỗng người ông run lẩy bẩy, tim như muốn ngừng đập, khi ông thấy nốt ruồi son trên cổ cô gái, trên tay cô còn nắm chặt con cào cào. Như có linh tính, ông định thần nhìn kỹ khuôn mặt thiếu nữ. Ông gào lên trong tiếng nức nở, nghẹn ngào:
“Trời ơi! Mai….Mai, con tôi.”
Cũng vừa lúc xe cứu thương tới nơi, đưa bệnh nhân lên xe. Ông Sinh, bác sĩ Hải cũng vội vàng leo lên theo. Cầm tay con gái, lòng ông Sinh bồi hồi xúc động, ông không ngờ gặp con trong hoàn cảnh này. Hai hàng nước mắt ngắn dài chảy trên hai gò má nhăn nheo. Nhưng ông cảm thấy sung sướng và ấm áp vô cùng..

Tin bác sỹ Trần thị Mai gặp lại được cha già sau hai mươi năm xa cách đã loan truyền khắp trong bệnh viện, một vụ trùng phùng đầy đau thương, thích thú, khiến ai cũng mủi lòng.
Hôm nay nhà bác sỹ Mai thật đông đảo khách tới thăm, bạn bè, thân hữu nghe tin mang hoa tới chúc mừng. Trong mấy năm qua, bây giờ mọi người mới thấy được nét tươi vui, rạng rỡ thực sự trên khuôn mặt u sầu của vị bác sỹ mà họ mến yêu. 
Nhưng người sung sướng nhất vẫn là bác sỹ Hải...

Dương Thịnh