Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

LƯỢC SỬ GIÁO XỨ THANH ĐỨC

           

               



Giáo xứ Thanh Đức toạ lạc nội vi thành phố Đà Nẵng, thuộc Giáo Hạt Đà Nẵng, nằm giữa hai chân cầu Sông Hàn và Thuận Phước thơ mộng, Về mặt hành chánh, Nhà thờ Giáo xứ Thanh Đức thuộc Phường Thuận Phước, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng. Dù tuổi đời mới hơn 50 năm, nhưng Thanh Đức qua những thăng trầm của lịch sử chính mình và đất nước, đã trở thành một Giáo xứ nề nếp, ổn định trong Giáo phận Đà Nẵng.


1. Hình thành :

Theo dòng lịch sử, tháng 7 năm 1954 với hiệp định Genève, chia đôi đất nước ở vĩ tuyến 17, gần một triệu người người dân Miền Bắc đã di cư vào Miền Nam, trong đó có nhiều người Công giáo, để bắt đầu khai khẩn tạo dựng quê hương mới và lập nên những xứ đạo mới. Nhiều đoàn di cư Công giáo từ miền Bắc vào đã chọn thành phố Đà Nẵng làm nơi định cư. Trong số đó ngoài Tam Tòa, Chính trạch, Thanh Bình, Nhượng Nghĩa, Sơn Trà, Phước Tường… phải kể đến Giáo xứ Thanh Đức.

Giáo xứ Thanh Đức hiện nay có tên ghép từ hai xứ Thanh Bồ và Đức Lợi. Thanh Bồ  thuộc Quảng Bình, Giáo phận Huế và một số Giáo dân từ Kẻ Sen, Kẻ Bàng, Sáo Cát... Đoàn chọn mảnh đất phía Tây vùng Trẹm để lập trại định cư, làm thành  một Giáo họ mới nhưng vẫn lấy tên gốc là Thanh Bồ, được dẫn dắt bởi Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hòa. Giáo họ xây dựng riêng một Nhà thờ để cử hành phụng vụ và các sinh hoạt tôn giáo. Nhà thờ nay không còn nữa, hiện là khu nhà của Cộng đoàn các nữ tu Dòng Thánh Phaolô nằm trên đường Hàn Mặc Tử.  Còn Đức Lợi  lại thuộc Hà Tĩnh, Giáo phận Vinh. Đoàn di dân đã chọn mảnh đất phía Đông vùng Trẹm để lập cư. Danh xưng "Đức Lợi" là tên ghép từ tên của hai Đức Cha JB Trần Hữu Đức, GM Giáo phận Vinh, và Đức Cha Marcel Piquet Lợi, GM Giáo phận Qui Nhơn lúc bấy giờ. Đoàn này do Cha Phêrô Trần Đức Triều chăn dẫn. Đoàn cũng xây dựng một ngôi Nhà thờ riêng, và nơi Nhà thờ Đức Lợi được xây dựng ngày đó chính là khu vực của Nhà thờ Giáo xứ Thanh Đức hiện nay.

Trong thập niên đầu tiên (1954 – 1964), hai Giáo họ ở cạnh nhau, mỗi họ có Nhà thờ, Cha phụ trách và mọi sinh hoạt riêng biệt. Sau cuộc đấu tranh của Phật giáo và biến cố hỏa hoạn thương đau vào tháng 8 năm 1964, Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi đã quyết định nhập 2 Giáo họ Thanh Bồ và Đức Lợi thành một Giáo xứ và lấy tiên là Thanh Đức cho đến ngày nay. Điều trùng hợp thú vị là tên lót của hai Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hòa và Phêrô Trần Đức Triều  là Thanh - Đức. 
Sau biến cố Mậu Thân 1968 và Mùa Xuân 1975, thành phần giáo dân thay đổi, không còn là dân có gốc gác của hai họ đạo trước đây nữa, nhiều người từ các nơi đến, cũng như nhiều giáo dân trong xứ đã ra đi để lập nghiệp phương xa. Tuy nhiên, bầu khí sống đạo vẫn ổn định và phát triển qua năm tháng.
Giáo xứ nhận Thánh Phêrô làm Quan Thầy, lễ mừng  ngày 29/6 hằng năm.

 2. Các thời kỳ phát triển:
Sau khi hợp nhất hai Giáo họ lại thành một Giáo xứ Thanh Đức, Cha Nguyễn Thanh Hòa đến tuổi nghỉ hưu, còn Cha Trần Đức Triều đảm nhận chức vụ Quản xứ của Giáo xứ mới này. Không bao lâu sau, Cha Phêrô Triều lại nghỉ hưu. 
Cha Phaolô Trương Đắc Cần về nhận nhiệm sở. Dưới thời của Ngài, khuôn viên Nhà thờ được mở rộng tối đa, Nhà xứ được xây lại khang trang. Giáo xứ được chia thành 12 Giáo khóm và tổ chức bầu cử HĐGX theo qui chế mới. Những Đoàn thể Công Giáo Tiến Hành được lần lượt khai sinh trong thời gian này: Đoàn Hùng Tâm Dũng Chí vào tháng 5/1965, Ca đoàn Thánh Linh – Ca đoàn Giáo xứ vào tháng 6/1965, Vạn Các Lái, tháng 6/1965.
Tháng 5/1966, Cha Phêrô Nguyễn Đức Mân về làm Quản xứ thay Cha Phaolô Cần, cùng với Cha Phó Antôn Trần Văn Trường. Trong thời gian này, Giáo xứ xây dựng trường Tiểu Học Thanh Đức, sau đó được nâng cấp trở thành Trường Trung Tiểu học Thanh Đức, thu hút được nhiều học sinh lương giáo theo học. Sau năm 1975, ngôi trường của Giáo xứ biến thành Trường Tiểu  học  Võ  Thị  Sáu do Nhà Nước quản lý cùng chung với vô số "số phận" của các ngôi Trường của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Dù ngôi trường này có thay đổi và di dời đến đâu, vẫn có nguồn gốc của Giáo xứ Thanh Đức, Giáo phận Đà Nẵng. 
Tháng 1/1967, Cha Bê-na-đô Nguyễn Quang Nhung được bổ nhiệm Quản xứ thay Cha Phêrô Mân. Thời kỳ này các Hội đoàn phát triển mạnh mẽ.  Legio Giáo xứ được thành lập vào tháng 1/ 1967. Giáo xứ Thanh Đức mỗi ngày một trưởng thành, hiệp nhất, hoàn thành tốt đẹp ca “ghép nối” đặc biệt lịch sử.
Tháng 5/1974, Cha Fx.Nguyễn Quang Sách được bổ nhiệm làm Cha Sở mới của Giáo xứ. Biến cố tháng 3 năm 1975 làm thay đổi sâu sắc tình hình Giáo xứ.  Tháng 6 năm 1975, Cha Quản xứ Phanxicô Xaviê được chọn làm Giám Mục phó kiêm Tổng Đại diện Gíáo phận Đà Nẵng. Ngài phải rời Giáo xứ về ở Nhà thờ Chính Toà. Sinh hoạt của Giáo xứ có nhiều giao động nhất định. Giáo dân phân tán, kẻ vào nam, người di cư ra nước ngoài. Lịch sử đất nước bước sang một bước ngoặc mới, Giáo phận Đà Nẵng nói chung và Giáo xứ Thanh Đức nói riêng cũng trải qua một thời kỳ đầy khó khăn thử thách nặng nề.
Tháng 5 năm1975, Cha Phêrô Nguyễn Hữu Đăng được bổ nhiệm làm Quản xứ Thanh Đức thay Đức Cha Phanxicô. Trong khó khăn thử thách, chủ chăn và đàn chiên Thanh Đức nỗ lực thanh luyện và thích nghi nếp sống đạo cho hợp với tình hình mới. Cuộc sống đạo nhờ đó không những không bị ngưng đọng, lại được thay đổi toàn diện và sâu sắc. Không ai chối cải lúc này đời sống Đức Tin trưởng thành và vững vàng hơn. Giáo xứ được chia lại thành 9 Giáo họ, mỗi Giáo họ được gọi bằng tên Thánh Bổn mạng của mình. Đặc biệt, Cha Quản xứ hoạch định lại chương trình Giáo Lý cho các em thiếu nhi cách quy củ và dài hạn, liên tục từ Lớp Vườn Trẻ cho đến Lớp Thánh Kinh là 14 năm. Những sinh hoạt khác như Trình diễn Thánh Kinh - Thánh Ca vào dịp Giáng Sinh, tổ chức thi Kinh, thi hát Thánh Ca... cũng được quan tâm tổ chức. Giới Trẻ được thành lập vào tháng 9 năm 1979, Đoàn Con Cái Đức Mẹ khai sinh tháng 3 năm1990. Vào năm 1981, Giáo xứ đại tu Nhà thờ. Trong thời gian này, Cha sở Phêrô cũng là Tổng Đại Diện của Giáo phận, quản nhiệm thêm Giáo xứ Ngọc Quang không có Cha sở. Thanh Đức là Giáo xứ độc nhất ngài coi sóc mục vụ trong suốt đời Linh mục chuyên làm Giáo sư Chủng viện của ngài.
Tháng 7 năm 1991, Cha Fx. Đặng Đình Canh về nhận nhiệm vụ Quản xứ Thanh Đức sau hơn 13 năm đi tù (1975-1988). Trong thời kỳ của ngài, Giáo xứ mỗi ngày thêm ổn định, nhiều công trình quan trọng được thực hiện. Nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ của bà con giáo dân Thanh Đức khắp nơi, Giáo xứ xây dựng kiên cố một số công trình. Khu nhà Giáo lý với quy mô hai tầng, 10 phòng thực hiện năm 1992. Tháng 7 năm1999, Giáo xứ khởi công xây dựng Nhà thờ mới rộng rãi và khang trang như ngày nay. Sau đó, Hang đá Đức Mẹ, Nhà Hài cốt (được gọi là Nhà An Nghỉ), Nhà xứ, đúc sân Nhà thờ, xây dựng tường rào kiển cố… Chỉ tiếc một điều, khuông viên Nhà thờ bị thu hẹp lại chỉ con 2/3 diện tích cũ do qui hoạch của Thành phố vào năm 2003, nên không gian sinh hoạt không còn rộng rãi thoải mái như xưa. Cha Phanxicô Xaviê cũng quan tâm nhiều đến những sinh hoạt đạo đức của Giáo dân. Tháng 7/1993, Ngài tái lập  Hội Phan Sinh Tại Thế, rồi Chi Hội Bác Ái Vinh Sơn vào tháng 9/1995, khai trương Thư viện La Vang, thành lập Giới Trung Niên vào tháng 1 năm 2000. Những cuộc Hành hương Đức Mẹ La Vang cho Giáo xứ được tổ chức liên tục từ năm 1998 cho đến nay đã trở  thành truyền thống của Giáo xứ. Các Giới, các Đoàn Thể hằng năm cũng tổ chức hành hương đến Trà Kiệu, Núi Sọ An Ngãi ... Hành hương luôn đi kèm với việc cầu nguyện, tĩnh tâm và làm phúc, nhờ đó, đời sống đạo tăng trưởng rõ rệt.
Tháng 10 năm 2004, Đức Cha Phaolô Tịnh bổ nhiệm Cha Fx. Đặng Đình Canh làm Tổng Đại diện Giáo phận kiêm Cha sở Chính Tòa. Thay thế Ngài tại Thanh Đức là Cha Giuse Nguyễn Thanh Sơn, nguyên phó xứ Chính Toà. Mọi sinh hoạt Giáo xứ luôn ổn định nề nếp, Cha Giuse chăm lo đặc biệt việc dạy Giáo lý cho các em Thiếu Nhi, củng cố và gia tăng số lượng Giảng viên Giáo lý. Hai năm sau, Cha Giuse được bổ nhiệm làm Quản xứ Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu, trước khi lên đường đi tu nghiệp tại Philippines vào năm 2008. Về thay Ngài là Cha Bonaventura Mai Thái, nguyên Quản xứ Hội An.
Tháng 11/2006, Cha Bônaventura Mai Thái về nhận nhiệm vụ Quản xứ Thanh Đức. Tuy Thanh Đức đã là  một Giáo xứ vững mạnh, nề nếp, Cha Bonaventura cố gắng nâng mọi sinh hoạt của Giáo xứ lên theo sự bền vững và có chiều sâu. Ngài mạnh dạn trao cho Giáo dân, HĐGX trách nhiệm nhiều hơn trong việc điều hành mọi hoạt động của Giáo xứ qua các ban ngành đoàn thể: Ban Phụng vụ, Ban Đoàn thể, Ban Khánh tiết, Ban Quản thủ Thánh đường, Ban Giáo lý - Giáo dục, Ban Bác ái - Xã hội do Quý Ông Bà trong Ban Thường Vụ HĐGX đảm trách. Ngài cho thành lập Hội Nghề Nghiệp vào tháng 2/2007, Đội Hạt Cải vào tháng 9/2007, Ban Tẩm liệm vào tháng 11/2007, và chính thức tái lập phong trào Hùng Tâm Dũng Chí vào năm 2009.

Tháng 09/2010, Cha FX. Nguyễn Văn Thịnh được Đức Giám Mục Giáo phận bổ nhiệm làm Quản xứ Thanh Đức thay Cha Bônaventura Mai Thái về làm Quản xứ Chánh Tòa. Tuy thời gian về Thanh Đức của Cha Phanxicô Xavie quá nhắn ngủi, nhưng ngài cũng đã cổ võ việc đọc " 5 Phút cho Lời Chúa " hằng ngày tại tất cả các gia đình trong Giáo xứ.

Tháng 09/2013, Tòa Giám Mục cử Cha FX. Nguyễn Văn Thịnh làm Cha Sở Tiên khởi Giáo xứ Chợ Chiều. Thay Cha FX là Cha Vinh Sơn Hoàng Quang Hải đang ở Trung tâm Mục vụ Giáo phận, đã 75 tuổi đời, về làm Quản xứ Thanh Đức cho đến nay (2013).

Cùng cộng tác mục vụ dưới thời các Cha sở, Tòa Giám mục đã bổ nhiệm khá liên tục các cha phó về Thanh Đức: Cha Antôn Trần Văn Trường (1965-1967), Cha Giuse Vũ Văn Trúc (1967-1970), Cha Batôlômêô Nguyễn Văn Chiểu (tháng 3-5/1968), Cha Đôminicô Nguyễn Thanh Liêm (1971-1973), Cha Stêphanô Phạm Trí Thức (1973-1974), Cha Phaolô Lưu Đình Dương (1974-1975). Sau 20 năm gián đoạn chức vụ phó xứ Thanh Đức, năm 1995, Cha Giuse Nguyễn Kim Nhật được bổ nhiệm, kế tục Ngài là các Cha  Giuse Hoàng Quốc Duy Linh (2001- 2003), Cha Phêrô Nguyễn Đệ (2003- 2006), Cha Phêrô Nguyễn Ngọc Phi (2006-2008), Cha Phaolô Trần Ngọc Hoàng (2008-2010), Cha Giuse Lê Thiện Thuật (2010-2013).


Suốt hơn 50 năm qua, phải kể đến sự đóng góp lớn lao của Cộng Đoàn Nữ Tu Dòng Thánh Phaolô tại Thanh Đức trong công cuộc xây dựng và phát triển Giáo xứ. Quý Soeurs chăm lo công việc dạy học và giúp Giáo xứ quản lý Trường Trung Tiểu Học Thanh Đức ngày ấy, rồi việc dạy Giáo lý, đặc biệt các lớp Xưng tội Rước Lễ Lần Đầu, các lớp Thêm Sức, mọi công tác trang trí bàn thờ các dịp lễ lớn nhỏ quanh năm, chăm lo phòng thánh... đều được Quý Soeurs chu toàn tốt đẹp.

Hiện nay tổng số giáo dân của Giáo xứ là :  3.514  người với  923  hộ gia đình, chia làm 12 Giáo họ, nằm gọn trong địa giới Phường Thuận Phước, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng.

Giáo xứ cũng đóng góp cho Giáo Hội rất nhiều ơn gọi Linh mục và tu sĩ. Tính đến nay có đến 22 linh mục, 3 đại chủng sinh, cùng 22 nữ tu đang làm việc tại Giáo phận, phục vụ hay tu học trong và ngoài nước.


Với nề nếp sinh hoạt ổn định và liên tục sáng tạo hiện nay trong công tác mục vụ, lòng nhiệt thành vì Nhà Chúa rất truyền thống trong trái tin người Thanh Đức, dưới sự dẫn dắt nhiệt tình của Quý Cha và sự hỗ trợ đắc lực của bà con đồng hương Thanh Đức khắp nơi, chúng ta có quyền tin tưởng vào một ngày mai thật sự trưởng thành của Thanh Đức, đặc biệt trong khả năng sống tình hiệp thông trong Cộng đồng Giáo phận, với các xứ họ đạo khác, nhất là đời sống chứng nhân và tinh thần truyền giáo trong một thành phố năng động và cũng  rất “ngoại đạo” Đà Nẵng này, với chỉ hơn 4% người tin Chúa.

'' Lạy Thánh Phêrô Quan Thầy, xin cầu cho chúng con ".
(nguyenhungdung tổng hợp)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét