MỘT NGÀY TẠI GIÁO XỨ ÁI NGHĨA (QUẢNG NAM)
" Đời ông cho đến đời cha,
Đời nào cực khổ như ta đời này ?"
(Dân gian Quảng Nam)
(Dân gian Quảng Nam)
Một tuần sau đợt xả lũ bất ngờ gây kinh hoàng và tổn thất rất lớn cho người dân huyện Đại Lộc (Quảng Nam) mà báo đài đã loan tin, sáng nay Chúa nhật lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, 24/11/2013, theo sự phân công của Cha Quản xứ và BTV qua anh UV BAXH- Caritas Thanh Đức, chúng tôi, với sự hiện diện của các vị BTV.HĐMVGX, đã lên đường về thăm và tặng quà cho 70 gia đình bị thiệt hại nặng tại Giáo xứ Ái Nghĩa, Hạt Trà Kiệu, Giáo phận Đà Nẵng.
Nhà thờ Ái Nghĩa nằm tại trung tâm thị trấn Ái Nghĩa, cách Đà Nẵng chừng 42 km về hường Tây theo đường quốc lộ 14B.
Giáo xứ Ái Nghĩa được thành lập từ năm 1930, đến nay đã qua 16 đời Cha Quản xứ, với hơn 1.400 giáo dân (chỉ chiếm 5% dân số) sống thưa thớt trong 05 Giáo Họ : Đại Phước, Đại Nghĩa, Đại Hồng, An Hòa và Đại Cường. Linh mục Quản xứ hiện nay là Cha Giuse Hoàng Quốc Duy Linh, từng là Cha Phó Thanh Đức trong những năm đầu đời Linh mục của ngài.
Đời sống người dân nơi đây còn rất nghèo khổ, đa phần sống bằng nghề nông. Đất nông nghiệp để canh tác chia theo nhân khẩu, bình quân mỗi hộ chỉ được cấp chưa tới 02 sào/gia đình. Mỗi năm trồng 02 vụ lúa ngô, còn lại thâm canh hoa màu, nhưng cơ bản là chuối và trồng "ớt trên giàn" như kiểu trồng rau sạch.
Trồng ớt trên giàn
Tan hoang vườn chuối.
Tan tành ruộng ngô
Do làm nông thu nhập không cao, khi lũ quét dồn về thì ... trắng tay, nên hầu hết thanh niên, trung niên còn mạnh khỏe bỏ quê ra đi, vào hết các thành phố lớn làm phụ thợ hồ. Cuộc sống bà con vừa bấp bênh lại vừa khó khăn. Năm nào cũng "sống chung với lụt", nhưng gần chục năm lại đây, người dân kiệt quệ vì những trận lũ quét do rừng phòng hộ đầu nguồn bị chặt phá không thương tiếc, các công trình thủy điện xả lũ bất ngờ không hề báo trước, người dân không kịp trở tay, tài sản và ngay cả con người cũng bị thiệt hại, như trận xả lũ tối Thứ Sáu 15/11/2013 vừa qua cả vùng ngập sâu hơn 02m kéo dài trong 03 ngày gây ra hậu quả thật khủng khiếp.
Một ngẫu nhiên thú vị lần về Ái Nghĩa này. Khác với những lần mới đây sau hai cơn bão số 10&11, khi về thăm các Giáo xứ vùng xa, anh em đi bằng ôtô (về Xuân Thạnh Quảng Nam), dùng ghe máy (tại Cồn Sẻ & Cồn Nâm Quảng Bình), lội bộ trèo dốc vượt suối (thăm Tam Trang Quảng Bình), sử dụng ôtô 2 cầu của Cha sở (cứu trợ tại Vĩnh Hội Hà Tĩnh), thì lần này anh em lại dùng xe máy để di chuyển. Mười sáu người trên tám chiếc xe máy đủ loại, cõng hàng đến trực tiếp 30 gia đình thăm hỏi và tặng quà.
Anh em đến Nhà xứ Ái Nghĩa lúc 09h20, được Cha xứ Giuse cùng các vị trong HĐMVGX đòn tiếp cách ân cần và thân thiện. Cha con lâu ngày gặp nhau cứ mừng mừng tủi tủi...
Sau khi dỡ hàng từ ôtô xuống, chúng tôi tranh thủ chào Cha xứ, rối cùng các vị Giáo Họ Trưởng trực chỉ 02 Giáo họ An Hòa và Đại Cường với bán kính chừng 10 cây số tính từ Nhà thờ chính.
Ít hôm trước khi chúng tôi về Ái Nghĩa, Cha Giuse đã dặn dò kỹ là đường vào các gia đình rất xấu, bùn lầy vẫn còn, không ai, không "cơ quan" nào dọn sạch nổi, chỉ có đi bằng xe máy mà không phải dễ dàng và rất nguy hiểm. Đúng vậy thật. Phần lớn đường liên thôn tại đây được đổ bê tông, nhưng do mặt đường quá thấp, khi lũ lụt về nước ngập lai láng kéo theo bùn đất phủ đầy cả ruộng vườn đường đi. Có nơi đường không ra đường, sau một tuần nước rút mà vẫn còn nhiều đoạn nước bùn còn ứ động ngập sâu đến đầu gối. Đoạn thì lầy lội, trơn trượt, đoạn thì đầy bụi bặm tóe tung. Thương cho giáo dân sáng chiều đi về Nhà thờ dự lễ; thương cho Cha xứ ngày ngày lặn lội thăm viếng phục vụ con chiên...
Ngôi nhà giáo dân nơi
Cha xứ dùng để cử hành Thánh lễ
tại Giáo họ An Hòa
Sau khi đến thăm được hơn mười gia đình, một chị trong Đoàn nói với người viết mà đôi mắt chị rưng rưng :" Anh, như ri làm răng mà sống được ?". "Ừ, làm răng mà sống được cũng phải sống".
Làm sao mà "dân đen" sống nỗi khi xã hội chỉ biết đến tiền đến quyền ? Làm sao mà "dân đen" sống nỗi khi chỉ được phép nghe những lời hứa hẹn đầu môi, chỉ có trên giấy viết hay ở những câu khẩu hiệu thật kêu của người mang trọng trách ? Làm sao mà "dân đen" sống nỗi khi dần dần ít đi "những con người còn có tấm lòng", còn sự vô cảm được đẩy cao lên như tấm khiên che dấu cho cái ích kỷ, cái sợ phiền hà, sợ thiệt thòi, sợ mất an toàn cho bản thân, gia đình ? Làm sao mà "dân đen" sống nỗi ngay cả khi những món quà của những người hảo tâm sau mỗi cơn bão lũ vẫn không đến được tận tay những người bị nạn, nhưng khi đến được bà con thì tiền quà đã bị cắt xén đi ? ...
Mỗi cuộc "hành hương từ thiện" chúng tôi thực hiện tại các Giáo xứ vùng xa vùng sâu từ Daklak, Gia Lai, Kontum, Quảng Nam, Thừa Thiên hay Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp những khuôn mặt hiền lành nhưng lại hằn rõ nét u sầu, lo lắng, chịu đựng. Những món quà cứu trợ ít ỏi chỉ làm vơi bớt nỗi buồn tủi của những người dường như đã bị xã hội bỏ rơi cách này cách khác, còn tương lai của mình và người thân vốn bấp bênh lại càng xa tít mù khơi...
Trên đường vòng quanh Giáo họ Đại Cường, anh em chúng tôi được ghé thăm tặng quà một gia đình có cháu trai 18 tuổi bị cuốn trôi trong đợt lũ vừa qua. Cậu bé bất hạnh đó tên là Phêrô Lê Ngọc Triều, học sinh lớp 12 Trường PTTH Huyện. Bố của em mất sớm khi em mới 4 tuổi. Mẹ ở vậy làm lụng nuôi em ăn học suốt hơn 14 năm trong gian nan khốn khổ. Khi thủy điện xả lũ đột ngột làm mọi người không kịp trở tay, em đã bơi ra đồng để giúp người chú ruột cố lùa đàn vịt vào bờ trong đêm tối trời, giá rét và gió mạnh. Đàn vịt là cả gia sản của gia đình chú. Thật không may, em bị dòng nước lũ dữ tợn cuốn đi và rồi em đã chết trên cánh đồng tan hoang lênh láng nước... Thắp mấy nén hương trước di ảnh của em, chúng tôi nguyện xin Thiên Chúa, Đấng đã vì yêu thương nhân loại tội tình mà hiến dâng mạng sống, cho Linh hồn em mau được hưởng Nhan Thánh Người. Và xin Chúa ra tay bênh đỡ, ủi an, thoa dịu nỗi đau thương quá lớn trong lòng người mẹ góa vốn đã mòn mỏi trong vất vả truân chuyên. Ghi lại những dòng này, người viết dù đã cố gắng, vẫn không làm sao ngăn được những giọt nước mắt thương cho dân mình...
Ngôi nhà giáo dân nơi
Cha xứ dùng để cử hành Thánh lễ
tại Giáo họ Đại Cường
Sau hơn 2 giờ xuôi ngược tại An Hòa và Đại Cường, dưới nắng nóng và bụi đướng ngột ngạt, anh em trở về Nhà xứ Ái Nghĩa, nơi mà Cha xứ Giuse đã dọn sẵn mâm mỳ Quảng do chính Cha chế biến : Mỳ Quảng quê, ngon lắm vì chất chứa nhiều tình mến lắm, Cha ơi !
Không nghỉ trưa, chúng tôi lại đi tiếp Giáo họ Đại Nghĩa để thăm và tặng thêm 13 phần quà nữa. Mọi việc xong xuôi như chương trình thì đã hơn 03 giờ chiều, đến lúc chúng tôi phải nói lời chia tay Cha Giuse và Ái Nghĩa thân thương.
Cầu chúc Cha và bà con, nhờ ơn Chúa, mau chóng đứng lên và ổn định cuộc sống dẫu biết khó khăn vẫn luôn chất đầy...
Một ngày thật vất vả nhưng đã để lại nhiều dấu ấn và niềm vui trong mỗi anh em. Chúng tôi như được lớn lên hơn trong tình yêu Thiên Chúa và như trẻ mãi trong hy sinh và phục vụ mọi người.
" Nắng toan giúp nón,
Mưa dầm giúp tơi... "
Nguyenhungdung