Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

BAN BÁC ÁI XÃ HỘI - CARITAS THANH ĐỨC
CỨU TRỢ TẠI GIÁO XỨ TRUNG QUÁN, QUẢNG BÌNH
(Thông tin và ảnh do Sumai cung cấp từ Email sumai@att.net)




Ngày 26+27/10/2013, được sự ủy thác của Cha Quản xứ và BTV, Ban Bác ái Xã hội - Caritas Giáo xứ Thanh Đức, do ông Giuse Trần Thanh Liêm, UVBTV.HĐGX, dẫn đầu đã về Giáo xứ Trung Quán, Quảng Ninh, Quảng Bình, Giáo Phận Vinh, để cứu trợ bà con nơi đây đang gặp rất nhiều khó khăn sau khi hai cơn bão số 10 và 11 tàn phá dữ dằn.
316 phần quà gồm gạo, mì tôm, mắm ruốc và quần áo cũ... do lòng hảo tâm của một số gia đình quê nhà, anh chị em Thanh Đức tại Mỹ (qua Hội Thanh Đức Hải Ngoại) và các Hội Viên Caritas Thanh Đức đóng góp.
Giáo xứ Trung Quán nằm ở ngã ba sông Nhật Lệ, nơi hai nhánh sông Long Đại và Kiến Giang gặp nhau, cách xa Tòa Giám mục Xã Đoài (Vinh) chừng 240km về phía Nam. Trung Quán có bề dày lịch sử và truyền thống Đức tin lâu đời. Trải bao thăng trầm chiến cuộc, bao cấm cách, gian lao, quê hương thánh Tôma Trần Văn Thiện (1820-1838) vẫn tồn tại và phát triển mạnh mẽ.
Giáo điểm Trung Quán xuất hiện rất sớm trong lịch sử truyền giáo Đàng Trong. Trước năm 1676, nhiều thừa sai đã đến đây truyền giáo và lập nên họ đạo. Vùng dinh Mười cạnh Trung Quán là một trong những trung tâm chính trị quan trọng của Đàng Trong nên đã lần lượt xuất hiện các giáo họ Đại Phong, Dinh Mười, Tam Tòa và Trung Quán. Hơn 25 năm sau, đến năm 1690, linh mục Lorensô Lâu được đặt coi sóc tín hữu Công giáo Quảng Trị và Quảng Bình. Trong thời gian đó, Đức Giám mục Giáo phận Đàng Trong Phanxicô Pérez đi kinh lược đã ban phép Thêm sức và  rửa tội nhiều tân tòng tại Trung Quán...
Mặc dù có tên từ lâu nhưng trong sổ bạ chính thức thì mãi đến năm 1923, giáo xứ Trung Quán mới được thành lập với linh mục Phaolô Nguyễn Văn Hiển là vị quản xứ đầu tiên. Công trình nhà thờ được khánh thành vào ngày 10.9.1938. Đây là ngôi nhà thờ lợp ngói đầu tiên của Trung Quán gồm 7 vài, 8 gian và một Cung Thánh. Ngoài ra, linh mục quản xứ lúc đó là cha Phaolô Trần Bá Úy còn lập nhà cho các chị dòng Mến Thánh Giá, xây dựng nhà xứ, trường học, cô nhi viện, Nhà thờ các Họ Đạo và lăng mộ kính thánh Tôma Thiện. 
Từ năm 1951 đến năm 1954, cuộc chiến Việt Pháp ngày càng ác liệt, giáo xứ không người coi sóc. Sau hiệp định Giơnevơ, linh mục GB Lương Văn Thể được sai về quản xứ Trung Quán. Ngài đã dùng sức lực và tài trí khôi phục phát triển giáo xứ nhưng đến 25.6.1962, ngài qua đời trong cảnh già yếu...
Trung Quán một lần nữa mồ côi, một nỗi buồn vô hạn bao trùm xứ đạo. Cha Trần Quang Nghiêm, linh mục miền Nam tập kết thỉnh thoảng có đến dâng lễ dăm vài lần nhưng sau vì chiến tranh ác liệt nên đã không thể đến nữa. Nhà thờ cũng bị chiến tranh phá hủy...
Mãi đến ngày 25.12.1990, giáo xứ cử 3 người vào Ban đại diện. Tư gia của các ông  Phêrô Lê Văn Bổn, Giuse Đặng Văn Sung, Micae Trần Văn Hưng lần lượt trở thành nhà đọc kinh, cầu nguyện. Hằng năm giáo dân vẫn tìm đến các linh mục ở Phủ Cam, Đại Lộc nhận lãnh bí tích. Đơn cử như năm 1984, cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Cao dạy dỗ và ban phép rửa tội, thêm sức cho 82 em; 22 cặp vợ chồng học và chịu phép hôn phối tại xứ Đại Lộc, Quảng Trị.
Vì khó khăn về hành chính khi các linh mục Huế không thể vượt ra khỏi ranh giới vĩ tuyến 17 để làm việc mục vụ nên đến ngày 15.8.1996, Đức Tổng Giám mục Stêphanô Nguyễn Như Thể đã nhờ Đức Giám mục Phêrô Trần Xuân Hạp giúp đỡ, điều hành các giáo xứ nam sông Gianh. Cha Phêrô Nguyễn Bình Yên lúc đó đang quản xứ Văn Phú cách đó chừng 40km được Tòa Giám mục Xã Đoài ủy thác thêm trách nhiệm coi sóc Trung Quán.
Khó khăn đó dần được giải quyết với sự kiện chính quyền đồng ý sát nhập các giáo xứ còn lại phía nam sông Gianh thuộc Giáo phận Huế vào Giáo phận Vinh vào thời điểm 2005 gồm Hà Lời, Sen Bàng, Tam Tòa, Trung Quán, Hoành Phổ, Bình Thôn, Phúc Tín. 
Ngày 23.3.2009, dưới sự chứng kiến của các Đức Giám mục hai Giáo phận, đại diện chính quyền tỉnh Quảng Bình; Đức Cha Cao Đình Thuyên đã trao Quyết định khôi phục hai giáo xứ Phúc Tín và Trung Quán và trao bằng sai cho cha Phêrô Lê Thanh Hồng quản nhiệm các giáo xứ phía nam Sông Gianh, Quảng Bình. Tháng 12.2006, linh mục Phêrô Lê Thanh Hồng được Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên đặt coi sóc Sen Bàng và các giáo xứ lân cận, đã mở ra một trang sử mới với Trung Quán. Các ban ngành ngày càng hoạt động có tổ chức... Linh mục Quản hiện nay là Cha Phaolô Nguyễn Chí Thiện.


Đoạn đường từ quốc lộ 1A rẽ vào Giáo xứ vừa hẹp, lại rất xấu, nhiều bùn lầy, xe ôtô không thể đi qua, phải khuân vác bằng tay toàn bộ số hàng cứu trợ, nên mãi đến 16h00 chiều, đoàn mới vào đến Nhà xứ Trung Quán.
Hàng cứu trợ đã được Đoàn trao tận tay cho đại diện 316 gia đình đang thiếu đói tại Giáo xứ Trung Quán ngay sau Thánh lễ sáng ngày 27/10/2013 do Cha Phaolô chủ sự.
Của cho tuy không nhiều, nhưng chứa đựng tất cả lòng yêu thương của con cái Hội Thánh đối với đồng bào đồng Đạo của mình trong lúc gian nan; đây còn là hành động thực thi bác ái như Chúa đã dạy và thể hiện cách mạnh mẽ mối dây hiệp nhất trong cùng một Thân thể Mầu nhiệm mà Đức Ki tô là đầu...
" Lạy Chúa Giêsu, mỗi khi chúng con sống tốt lành, thật thà, bác ái, quan tâm giúp đỡ người  anh em gặp cánh khốn cùng,  xin cho chúng con luôn làm vì yêu mến Chúa và để loan truyền Danh Chúa khắp mọi nẻo đường trần gian. Amen. "
(Nguyenhungdung tổng hợp)

 Một số hình ảnh về lần cứu trợ tại Trung Quán











































Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

CỨU TRỢ SAU CƠN BÃO NARI
"Cồn Sẻ, Cồn Nâm : ân tình trong hoạn nạn"



Hôm nay, ngày 25/10/2013, một ngày sau chuyến thăm và trao quà cứu trợ tại Giáo xứ Xuân Thạnh (Xem thêm bài viết http://tapviethangngay.blogspot.com/2013/10/mot-mieng-khi-oi-mot-goi-khi-no-sang.html), anh em chúng tôi lại nhận bổn phận lên đường ra Quảng Bình gấp của Cha Quản xứ Thanh Đức để cứu trợ cho bà con đang gặp rất nhiều khó khăn tại hai Giáo xứ Cồn Sẻ và Cồn Nâm (Giáo phận Vinh).
Đoàn gồm các vị trong BTV.HĐGX, Đại diện Giới Trẻ, Đội Sinh viên, Đội Hạt Cải, do anh Giuse Trần Văn Hải, Chủ tịch HĐGX làm Trưởng đoàn.
Xuất phát dưới cơn mưa phùn lất phất trong tiết trời se lạnh, anh em như cảm nhận được phần nào cái rét, cái đói mà bà con đang gánh chịu sau những trận "siêu bão, siêu lũ, siêu lốc" đã tàn phá nặng nề vùng đất vốn đã khó nghèo ấy.
Cơn mưa theo chúng tôi ra Lăng Cô, rồi Huế, mãi cho đến đầu tỉnh Quảng Trị, nơi có Linh địa Mẹ La Vang, mới tạnh hẳn. Trời lúc này sáng trong, ấm áp như tình yêu của Mẹ Maria vẫn luôn theo bước con cái Người trên vạn nẻo đường trần.
Vượt qua hai cây cầu mang tên Quán Hải nằm cách Ba Đồn chừng mươi cây số, đập vào mắt chúng tôi là ngôi Thánh đường uy nghi một màu vàng chói với tháp chuông vút cao, nhưng lại đang gánh trên mình vô số cột kèo trống trơn không còn một viên ngói lợp nào. Bão dữ đã lật tung tất cả.





Như bao Giáo xứ, Giáo họ khác trong Hạt Hòa Ninh Giáo phận Vinh, Giáo xứ Cồn Sẻ nằm gọn trên một cái cồn giữa dòng sông Gianh bốn bề nước phủ. Dân Cồn Sẻ chừng 3.300 nhân khẩu Toàn Tòng Công giáo với hơn 750 gia đình, Cha Phêrô Hoàng Anh Ngợi hiện là Linh mục Quản xứ. 
Cồn Sẻ còn rất nghèo. Đa số người dân sống nghề đánh cá bằng những chiếc ghe nhỏ quanh sông, chỉ một ít gia đình khá giả hơn vay mượn mua sắm được chừng đôi ba con tàu lớn đánh bắt xa bờ.
Giáo dân Cồn Sẻ đã tự đóng góp công sức và tiền của để xây dựng cây cầu gỗ nối liền đường liên thôn với giáo xứ của mình. Một cây cầu rất "Cồn Sẻ" qua bao năm tháng cùng sự tàn phá của bão lụt mỗi năm, nay trông như một "bà lão chân yếu tay mềm", vì thế, việc vận chuyển hàng hóa vào đến Nhà xứ thật vất vả và rất khó khăn.



Anh em đến Nhà xứ lúc 03h30 chiều. Cha sở và các vị trong Ban Mục vụ Giáo xứ Cồn Sẻ đón tiếp chúng tôi rất chân tình và nồng ấm. 
Bốn trăm suất quà cứu trợ, đúng hơn là cứu đói, chúng tôi chở theo lần này gồm gạo, mì tôm, ruốc, nước mắm, quần áo cũ và tiền mặt do lòng quảng đại của anh chị em Thanh Đức đang định cư tại Hoa Kỳ gửi về qua Hội Thanh Đức Hải Ngoại để sẻ chia cùng bà con nơi đây.


Còn nhớ vào cuối tháng 12 năm 2012 vừa qua, Cồn Sẻ và Cồn Nâm đã bị trận gió mùa Đông Bắc nhấn chìm 02 chiếc tàu đánh cá với 16 người chết nhưng chỉ vớt được xác của 2 nạn nhân, trong đó có ngưởi con rể của ông Chủ tịch HHĐMV Cồn Sẻ. Vụ việc đã tốn không biết bao nhiêu nước mắt khóc thương của dân lành và giấy mực của không biết bao nhiêu tờ báo trong và ngoài nước.
Trận bão số 10, số 11 và cơn lụt lớn năm nay đã tàn phá làm trên 300 căn nhà bị tróc mái, 06 căn nhà bị hư hại hầu như hoàn toàn, chỉ còn trơ lại những bức tường nham nhở. Toàn bộ hơn 600 căn nhà của giáo dân ngụp lụt đến tận mái nhà, bà con phải sơ tán bằng ghe ra Nhà thờ trú ẩn...
Theo chương trình của Giáo xứ Cồn Sẻ, anh em tháp tùng Cha Phêrô đến thăm ngay 06 gia đình bị thiệt hại nặng nề nhất đó.















Một cảnh tượng gây cảm xúc rất lớn đối với chúng tôi là trong căn nhà tan hoang chỉ còn trơ lại mấy cây cột tạm đỡ mái tôn xiêu vẹo, vẫn còn treo hai chiếc xe máy lưng chừng nhà. Khi anh em hỏi thăm sao không hạ xe máy xuống để đi, chủ nhà nói : "Tháo xuống mần chi anh ơi ! Xăng mô mà chạy ? Gạo cơm còn hột mô mà nuốt, lấy sức mô ra mà hạ xuống !".
Đau xót biết bao !
Người dân cho biết từ ngày cơn bão số 10 ập xuống tới nay, chính quyền thôn có hứa cho mỗi người dân 03 gói mì tôm, mà đến giờ vẫn chưa thấy đâu. Cách đây ít hôm, các Cha Dòng Chúa Cứu Thế có ghé thăm, động viên an ủi và tặng mỗi gia đình 01 thùng mì, Cha Xứ Phêrô cũng đến giúp khẩn cấp cứu đói mỗi gia đình 12 kg gạo, nay đã ăn hết rồi.
Chỉ còn chờ lòng hảo tâm của Giáo hội, rồi từ từ gầy dựng lại nhà cửa, sửa vá lại lưới ghe, mong được kiếm sống hằng ngày trong tình thương của Chúa và Mẹ Maria.


                            


Kết thúc ngày cứu đói đầu tiên, chúng tôi được tham dự Thánh lễ chiều ngày thường tại láng bạt dựng tạm do Nhà thờ đang khẩn cấp lợp lại mái ngói. Trước cả một ngàn giáo dân tham dự, Cha chủ sự Phêrô đã ngỏ lời cám ơn Cha Quản xứ và bà con Thanh Đức trong và ngoài nước đã thể hiện tinh thần hiệp nhất, đã yêu thương, đã quảng đại, đã không quản ngại đường sá xa xôi, kịp thời đến cứu đói người dân Cồn Sẻ. Cha cùng bà con nguyện xin Chúa trả ơn vô cùng cho quý ân nhân thay cho Giáo xứ. Cha tâm sự : "... Một danh nhân đã nói : ' Việc từ thiện không hệ tại ở của cho ít hay nhiều, nhưng quan trọng ở chỗ kịp thời và đúng nhu cầu'. Hôm nay đây, bà con ta đang bị cái đói rình rập, thì các ân nhân mang gạo, mì, mắm ruốc đến. Hôm nay đây, các mệ già các cháu nhỏ đang rét run vì thiếu áo, thì các ân nhân mang áo mang quần đến cho. Hôm nay đây, một số gia đình thiếu tiền mua đinh mua thép cột lại nhà cửa, thì các ân nhân mang đến những đồng tiền quý giá để tặng.Thật là 'một miếng khi đói' nó cần thiết và giá trị biết mấy !..."






Đáp từ sau Thánh lễ, anh Chủ tịch HĐGX Thanh Đức đã cám ơn Cha sở, Quý Ban Mục vụ và bà con Cồn Sẻ đã tiếp đón đoàn rất ân cần và trọng thị. Việc đến thăm và cứu đói hôm nay là cử chỉ chia sẻ, ủi an, nâng đỡ và thể hiện tinh thần yêu thương, hiệp nhất của con cái Giáo hội. Kính chúc Cha và Giáo xứ Cồn Sẻ nhanh chóng ổn định đời sống nhờ ân sủng Chúa và Mẹ Maria.


Từ sáng sớm hôm sau, khi sương lạnh chưa tan hết trên đỉnh tháp chuông Nhà thờ, những gia đình theo danh sách sẽ nhận quà cứu đói đã có mặt khá đông đủ. 
Ba trăm phần quà đã được chúng tôi sắp sẵn trước sân nhà xứ. Nhìn vẻ cảm động, vui mừng hiện lên trên những khuôn mặt chất phát, hiền lành của bà con Cồn Sẻ, lòng anh em dậy lên bao niềm hạnh phúc vì chúng tôi đã đến, đã sẻ chia, đã mang lại ít nhiều ủi an, mong ước bà con bớt buồn bớt khổ, vơi đi những lo toan dẫu là chỉ trong vài ngày.
(Khi chúng tôi đang tiến hành việc trao quà tại đây, thì theo sự phân công của Cha và BTV, Ban Bác ái Xã hội - Caritas Giáo xứ Thanh Đức đã xuất hành về với Giáo xứ Trung Quán, Quảng Bình, Giáo phận Vinh, cũng để cứu trợ sau bão lụt. Ba trăm phần quà tương tự do Cộng đồng Thanh Đức Hải Ngoại, giáo dân quê nhà và anh chị em Ban Caritas Thanh Đức cùng tài trợ.)
















Chúng tôi trao hết các phần quà thì cũng đã hơn 08 giờ sáng. Anh em cám ơn và chào từ biệt Cha Quản xứ Cồn Sẻ, để lại tiếp tục đến thăm và tặng 100 phần quà khác bên Giáo xứ Cồn Nâm.


Cha xứ Cồn Sẻ "biệt phái" nguyên một chiếc ghe máy để vận chuyển hàng cùng một số anh em vượt sông Gianh trong thời gian gần một tiếng đồng hồ để đến Cồn Nâm.
Ghe đưa chúng tôi đi vòng qua các Giáo xứ, Giáo họ nằm san sát bên bờ sông Gianh nước đục và chảy xiết, như Hòa Ninh, Văn Phú, Giáp Tam, Tân Định, Hà Bông...







Giáo xứ Cồn Nâm cũng là một giáo xứ Toàn Tòng với 3.000 giáo dân sống trên 06 Giáo họ Cồn Nâm, Thái Hòa, Thông Thống, Tân Định, Hà Bông và Đồng Đưng. Đời sống người dân nơi đây còn quá nghèo. Đa số đi biển, làm nông và một số khác đi rừng (dân ở đây gọi là ' đi rú ').




Cha Phêrô Nguyễn Văn Phú, Quản xứ Cồn Nâm, cho Thầy xứ và ông Chủ tịch Ban Mục vụ đón chúng tôi ngay tại bến sông. Nói là 'bến' chứ hai bên bờ sông chỗ nào đất trống, rộng, ghe ghé đậu được đều gọi là bến cả.





Cha Phêrô cho chúng tôi biết Cồn Nâm được hình thành cách đây đã hơn 375 năm. Khi Cha Đắc Lộ vào Quảng Bình năm 1629, ngài đã ban phép Rửa tội cho 25 tín hữu đầu tiên của Quảng Bình, là tổ tiên của người Cồn Nâm. Cha Thánh Vincent Nguyễn Thời Điểm đã sống và làm việc tại Cồn Nâm trên 30 năm trời. Như thế, có thể nói Cồn Nâm chính là Giáo xứ Mẹ của các Xứ Đạo tại Quảng Bình. Ngày xưa Cồn Nâm còn có tên là Nội Hà, bởi vì có một con sông chảy qua giữa cồn và Nhà thờ (Hà là sông, Nội là giữa). Giáo xứ Nội Hà tại Đà Nẵng chính gốc là từ Cồn Nâm di cư vào Nam năm 1954.


Hậu quả của Cơn bão số 10 chưa kịp khắc phục thì liền đó cơn bão 11 xảy đến, gây ngập lụt nặng, nước dâng cao ngấp nghé nền Nhà thờ, còn nhà dân có nơi ngập sâu hơn 02m. Nhưng thiệt hại lớn nhất là khi cơn lốc dữ ban đêm bất ngờ tràn qua trong chỉ có 20 giây đã cuốn bay mái của 40 căn nhà và làm sập hoàn toàn 10 căn nhà khác của bà con tại Giáo họ Đồng Đưng... Cha sở đã phải thốt lên : "Nhà thờ còn, cha xứ còn, giáo dân còn đã là một mầu nhiệm rồi ! ". Chao ôi, nghe sao đau xót và thê lương đến vậy ?
Theo sự hướng dẫn của Cha xứ Cồn Nâm, chúng tôi đến những gia đình bị thiệt hại nặng nề nhất để thăm hỏi và tặng quà. Sự thiệt hại và nỗi đau thương nếu không đến tận nơi như hôm nay, không thể nào chúng tôi tưởng tượng ra được. Rất nhiều lần chúng tôi như chết lặng trước con người và cảnh vật hoang tàn đến khó tin nơi đây...





















Đau thương là thế, nghèo đói là thế, nhưng không ai có thể phủ nhận được đức tin vững mạnh, lòng mến Chúa keo sơn, tình đoàn kết gắn bó của giáo dân Đồng Đưng. Cuối chuyến hành trình, chúng tôi ghé qua ngôi Nhà thờ của Giáo họ đang được xây dựng, lúc ấy đã gần 12 giờ trưa. Hai lớp giáo lý cho trẻ em đang diễn ra. Quá bất ngờ, quá thú vị và đáng khâm phục làm sao !



Ngôi Nhà thờ to lớn và chắc chắn này là công lao, sức lực và tiền bạc của Cha xứ và bà con Đồng Đưng chung lòng đóng góp. Cha và Giáo xứ chưa phải nhờ đến một ân nhân nào khác bên ngoài Giáo họ.
Đây là một bài học quý giá cho mọi người con Chúa khắp nơi, trong đó có anh em chúng tôi.


Chia tay Cha Phêrô ngay trên chiếc ghe máy đơn sơ nhỏ bé, chúng tôi nhận cách cung kính lời cám ơn từ đáy lòng của Cha sở và bà con Cồn Nâm gửi tới Cha xứ và giáo dân Thanh Đức khắp nơi đã yêu thương Cồn Nâm trong cơn thử thách hoạn nạn hôm nay.
Lúc này đã quá giữa trưa. 
Đứng trên bờ nhìn theo chiếc ghe đưa Cha Phêrô trở về nơi cha và đoàn chiên của mình đang sinh sống, chúng tôi nguyện xin Đức Kitô, Đấng Mục Tử Tối Cao và Nhân Lành, luôn gìn giữ thêm sức và bênh đỡ ủi an cho các Linh mục của Người đang ngày đêm tận tụy chăm sóc và bảo vệ đàn chiên mà Chúa đang trao phó cho các ngài.



nguyenhungdung